Kinh tế phi chính thức tồn tại từ lâu và đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong những năm qua, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển và đóng góp đáng kể của hoạt động kinh tế phi chính thức. Mới đây, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (còn gọi là kinh tế phi chính thức) nhằm giúp Chính phủ đưa ra những chính sách phù hợp trong thời gian tới.
TS. Trương Văn Phước dự báo gì về tăng trưởng, tỷ giá năm 2018 và bitcoin?
- Cập nhật : 27/12/2017
Tăng trưởng GDP năm 2017 là một câu chuyện gây nhiều bất ngờ với việc quý 3, chỉ số tăng trưởng tăng vọt khiến cho rất nhiều dự báo trước đó trở nên lạc hậu. Thậm chí ADB trong nhiều tháng luôn khẳng định là tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, nhưng trong quý 4 lại thay đổi. Ông nghĩ về điều này?
Bản thân tôi có sự so sánh ẩn dụ về tăng trưởng của GDP với điểm số của một cậu học trò nghèo. Cậu học trò này luôn mơ ước điểm cao. Chúng ta phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đặt ra chứ không nên quá tự ti, mặc cảm. Năm 2017 có nhiều dự báo nhưng ngay từ đầu năm, chúng tôi tin rằng GDP có thể đạt được 6,6-6,7%.
Kết quả tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp mang tính định lượng của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn tạo thuận lợi cho tăng trưởng tăng tốc. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam.
Với tính toán riêng của tôi, GDP năm nay có thể đạt từ 6,7 đến 6,72%.
Giữa năm 2017, Bộ Tài chính đưa ra cảnh báo về việc nợ công sẽ đạt đỉnh trong năm và tiến sát mức 65% GDP - ngưỡng được coi là nguy hiểm. Tuy nhiên, vào cuối năm, dự báo con số về tỷ lệ nợ công lại giảm và chỉ còn 62,6% GDP (giảm 1% so với 2016). Ông có nhận xét gì về điều này?
Tôi cho rằng, do giữa năm 2017, rủi ro không đạt mức tăng trưởng 6,7% là một lo ngại có cơ sở. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2017, có nhiều nhân tố đột biến giúp tăng trưởng đạt mức kế hoạch đề ra. Kéo theo đó, mức nợ công so với GDP giảm xuống. Đồng thời, Chính phủ đã có các chính sách quản lý và cải thiện chất lượng nợ công hiệu quả hơn trong chính sách tài khóa.
Nếu nhìn vào điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, dưới góc độ là một nhà làm chính sách, ông thấy tâm đắc ở điểm gì nhất và đâu là điểm trừ?
Điểm nổi bật nhất theo tôi là Ngân hàng Nhà nước đã điều phối các công cụ chính sách tiền tệ rất nhịp nhàng. Mức tăng trưởng tín dụng và cung tiền khá cao mà việc điều hành uyển chuyển, không tạo ra áp lực lạm phát là một thành công. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối lên đến 46 tỷ USD mà vẫn giữ được tỷ giá hối đoái ổn định.
Quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, trong đó có việc đề xuất để Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và triển khai có hiệu quả. Năm 2017, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng hơn 40% so với năm trước. Nhìn chung, năm 2017 chứng kiến một thị trường tiền tệ ổn định và có những điều chỉnh để các dòng vốn vào mục tiêu sản xuất kinh doanh nhiều hơn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn mong muốn quá trình tái cơ cấu sẽ được thực hiện nhanh hơn nữa để giúp cho nền kinh tế có điều kiện phát triển tốt hơn.
Năm 2017, nhiều người kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh và đạt được tỷ lệ trên 20% để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng theo con số ước tính gần nhất thì tỷ lệ này không đạt mức nới room là 21% nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt kế hoạch. Ông nghĩ gì về điều đó?
Mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%. Tín dụng ước tính chỉ tăng khoảng 18,7% đến 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp quan trọng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.
Vấn đề ở đây là chất lượng của dòng vốn tín dụng là như thế nào. Thời gian qua có điều chỉnh nhưng vẫn có lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều; vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt.
Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua đã hâm nóng thị trường BĐS, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế. Vốn FDI, FII vào Việt Nam tương đối lớn.
Trong năm 2018, ông có nghĩ về một kịch bản kiểu tín dụng không cần tăng quá cao mà nền kinh tế vẫn đủ “máu” để giữ nhịp độ tăng trưởng cao như năm 2017 hay không?
Ngày 28-29/12, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến thảo luận Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế trong năm 2018. Tôi nghĩ rằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng và đương nhiên rồi. Nhưng năm 2018, phải chăng chúng ta nên chủ trương tập trung chỉ đạo tăng cường sản xuất kinh doanh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Chúng tôi tính toán và thấy rằng trong vài ba năm tới, nếu tín dụng ở Việt Nam tăng ở mức 18-20%, đương nhiên là với giả định kinh tế thế giới như hiện nay, thì không gây áp lực nhiều cho ổn định vĩ mô. Vì đối với đất nước chúng ta, nguồn lực vốn cho đầu tư vẫn là một nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Với diễn biến về cung cầu ngoại tệ năm 2017, ông có dự báo gì về tỷ giá đồng USD tại Việt Nam trong năm 2018?
Có một hiện tượng rất thú vị là năm nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 3 lần, thế mà, đồng USD lại mất giá bình quân 7% trong rổ tiền tệ. Điều này có thể được giải thích bằng chủ trương hạn chế nhập siêu của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố mong muốn một đồng USD yếu như là công cụ để thực hiện việc cân bằng cán cân thương mại. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam, đồng USD tăng xấp xỉ 1,4%, theo tôi, đã góp phần tạo ra lợi thế cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Tỷ giá năm 2018 của đồng USD so với VNĐ tất nhiên là còn phụ thuộc nhiều vào đồng USD trên thị trường thế giới, vào cán cân thương mại Việt Nam, các dòng vốn vào ra… nhưng tôi cho rằng USD tăng 1,5 đến 2% là có thể chấp nhận được.
Nhìn từ góc độ của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông thấy những rủi ro nào trong năm 2018 đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia?
Việt Nam là đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu mà xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào chính sách thương mại của các quốc gia, nhất là Mỹ.
Còn lại là những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều, năng xuất lao động còn thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Về dài hạn, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm. Do đó, Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến, nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Về hệ thống tài chính, tôi không gọi là những rủ ro mà hệ thống phải đối mặt. Tôi gọi đó là khuyết tật, căn bệnh, chữa hơi chậm. Những vấn đề đó chúng ta đã đề cập khá lâu về sự mất cân đối trong thị trường tài chính. Sự phát triển thiếu hài hòa giữa một thị trường tiền tệ và một thị trường vốn.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ tới việc mở cửa với một mức độ vừa phải thị trường tài chính Việt Nam. Tất nhiên là cũng phải thiết kế kèm theo các hệ thống chính sách để thích ứng với độ mở ấy.
Cuối cùng là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Bitcoin không được thừa nhận tại Việt Nam nhưng dưới góc độ của một người từng làm kinh doanh tiền tệ quốc tế (ông Trương Văn Phước từng là một dealer “sừng sỏ” tại Vietcombank - PV). Ông nhận xét gì về bitcoin và công nghệ blockchain?
Tôi xin nhắc lại câu chuyện năm 1990, cách đây 28 năm. Khi đi học về ngoại hối ở Singapore, một ông thầy nói với tôi rằng: “Anh không cần biết tỷ giá là cái gì, cái anh cần biết là người ta đang nghĩ nó ra sao”. Câu nói đó tôi cho là có hàm ý dưới góc độ cung cầu của thị trường. Kinh doanh phải dựa vào hiện thực của thị trường. Ở đâu có cầu, ở đấy có cung.
Hiện nay, trên thị trường thế giới và một phần nào đó ở Việt Nam, có nhu cầu đầu cơ vào bitcoin. Nhu cầu thì thế, còn cung ứng sản phẩm thì như thế nào? Chúng ta đều biết, hiện nay, việc tạo ra Bitcoin dựa vào thuật toán thông qua qua phần mềm mở mà mọi đối tác tham gia vào đều ẩn danh. Cũng không thể xác định ai là người sở hữu bitcoin đấy. Nó lại được đựng bằng ví điện tử…. Tôi cho rằng, tham gia vào việc giao dịch Bitcoin là vô cùng rủi ro.
Trong khi đó, Bitcoin bị cấm tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) ra thông báo xử phạt các giao dịch Bitcoin và các đồng tiền số khác. Điều đó có nghĩa là các giao dịch Bitcoin và các loại tiền số khác bị nghiêm cấm ở Việt Nam.
Giám đốc Cơ quan kiểm soát tài chính Anh hôm 19/12 cảnh báo: “Nếu bạn đầu tư vào Bitcoin, hãy chuẩn bị tinh thần mất trắng”.
Linh Anh – Lan Anh
Đỗ Mạnh Cường - Kiên Trần
7pm
Theo Trí Thức Trẻ/CafeF