Một cuộc chiến thương mại toàn cầu có khả năng xảy ra do những căng thẳng đối đầu từ hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới là Trung Quốc và Mỹ? Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam giữa những bất ổn đó, sẽ như thế nào?
Chính phủ điện tử: Mục tiêu còn xa
- Cập nhật : 09/01/2018
Chỉ tiêu chính phủ điện tử được đưa vào các Nghị quyết 19 như một thước đo một thể chế có khả năng điều hành tốt hơn.
Yêu cầu của Chính phủ là số thủ tục được kết nối phải được tăng lên để giúp các bộ hoạt động tốt hơn và làm minh bạch hóa được quá trình thủ tục hành chính. Tuy nhiên, năm 2017 đã đi qua trong bối cảnh kết nối cổng thông tin điện tử quốc gia vẫn thấp, mới chỉ có 11 bộ tham gia và chỉ có 130 thủ tục được kết nối. Như vậy, một trong những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ là “đến hết năm 2017, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EDGI) của Liên hiệp Quốc” đã không đạt được.
Phiền phức vẫn nhiều
Những cải cách thời gian qua vẫn ở mức thấp so với yêu cầu và mong muốn của doanh nghiệp. Ông Lê Duy Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Transimex, cho biết, kiểm tra chuyên ngành là lĩnh vực doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc nhất. Hiện có quá nhiều số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, nó đồng nghĩa với kéo dài thời gian thông quan. Hiện thời gian kiểm định các lô hàng kiểm tra chuyên ngành còn khá cao, từ 30-35% trong khi Nghị quyết 19 thì yêu cầu phải giảm xuống 15%.
Sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử được ví như một bước hiện thực hóa Nghị quyết 19 và Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, nhằm góp phần “giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu” và “kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan”. Nội dung này, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, nói rằng “chuyển biến chưa nhiều”.
Theo quan sát của ông Bình, quy định doanh nghiệp không được vượt quá 50 tờ khai hải quan của Tổng cục Hải quan đang gây khó cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều mặt hàng một lần, thường là các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, dệt may. Bây giờ, các doanh nghiệp phải sử dụng hàng chục tờ khai, thay vì một bản như trước đây.
Kế đó, Bộ Công Thương cấp CO điện tử theo mẫu COD nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy cam kết đi kèm. Như vậy, doanh nghiệp bớt được một tờ khai của hải quan, nhưng lại tăng thêm một tờ cam kết với bên Công Thương. Nhiều doanh nghiệp đã phải in hồ sơ và mang đến nộp để giảm vướng mắc. Điều này khiến cấp CO điện tử mang tính ý tưởng nhiều hơn thực tế.
Từ Nghị quyết 19 năm 2014 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành hơn 10 thông tư, nhưng số văn bản này chưa đáp ứng được nhu cầu Nghị quyết 19 đề ra là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp. Ông Bình nói có sự “không minh bạch” khi cơ quan chức năng thu phí kiểm dịch bằng nhiều cách, thu theo mẫu, thu theo trị giá, thậm chí thu theo trọng lượng. Ông dẫn chứng phản ánh của các công ty xuất khẩu dăm gỗ ở miền Trung về cách thu phí kiểm dịch không theo mẫu, thay vào đó áp 500 tấn/lô kiểm dịch. Một con tàu chở 40.000 tấn răm gỗ xuất khẩu, với khoảng 80 lô, mức thu phí 544.000 đồng/lô, thành tiền hơn 43 triệu đồng.
Khai hải quan điện tử, trước đây doanh nghiệp gặp phiền phức trong công tác khai báo, còn bây giờ “phiền phức đã chuyển sang khâu khác”. Tất cả các lô hàng xuất khẩu/nhập khẩu có thể đơn giản hóa, khai báo điện tử có thể không phải làm thủ tục giấy tờ nhưng khâu giám sát hải quan nhất định phải qua giấy tờ bằng giấy.
Doanh nghiệp kêu rất nhiều về việc này nhưng tình trạng này đã không hề giảm. Một ngày có khoảng 1.000 lô hàng qua cửa khẩu hải quan. Ông Bình nói: “Việc mỗi lô hàng qua cửa khẩu hải quan phải có một chút đang trở thành khoản phí không nhỏ mà doanh nghiệp phải gánh. Chúng tôi đã phản ảnh với Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính từ ngày 18.6.2015, nhưng đến nay thực trạng này vẫn chưa có thay đổi”.
Điện tử thay thủ công
Đến thời điểm này, mục tiêu ASEAN 4 của năm 2017 đã chắc chắn không đạt được và khoảng cách so với các nước trong khu vực còn rất xa. Việt Nam đang xếp hạng thứ 89 về chính phủ điện tử, tăng 10 bậc so với năm 2014, nhưng vẫn ở thứ hạng thấp, chỉ xếp thứ 6 trong ASEAN. Trong khi đó, về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, chưa thể vươn lên hàng ASEAN 4 hay ASEAN 5.
Mục tiêu sâu xa của Nghị quyết 19 năm 2017, khi thiết kế có đặt vấn đề giúp thay đổi cơ bản cách thức quản lý của Nhà nước theo tinh thần bỏ cơ chế xin cho, chuyển từ quản lý thủ công sang quản lý theo phương thức điện tử. Điểm chính của Nghị quyết 19 năm 2017 muốn nhắm tới là dùng điện tử để thay thế cách làm thủ công, chỉ khi đó mới tăng được tính minh bạch, tăng kiểm soát đối với bộ máy nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Nhà nước.
Trong một kết quả điều tra có liên quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, 93% doanh nghiệp được hỏi cho biết quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều và nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau nên rất khó thực hiện. 89% doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định hiện không phù hợp thực tế và 82% đánh giá sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chính phủ điện tử là mục tiêu khó. Do đó, năm 2018 và đến năm 2020, Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện chỉ số này. Hai năm gần đây, khung chính sách và loạt nghị quyết trung ương của Việt Nam đã được cụ thể hóa và tương đối nhất quán giữa các tầng khác nhau để cải thiện môi trường kinh doanh. Bà Lan nói: “Quá trình thực hiện luôn gặp khó khăn và lực cản chính vẫn là ở bộ máy của Nhà nước trong việc thi hành các quy định”.
Theo tính toán của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỉ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỉ đồng.
Có lợi là vậy nên doanh nghiệp đang sốt ruột, những cải cách về cơ bản mới dừng lại ở tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, chưa phải thuận lợi hóa thương mại. Thế nhưng năm 2018, theo bà Lan, “vẫn có những khoảng trống làm tăng chi phí của doanh nghiệp”. Đặc biệt, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp vẫn chưa được thể hiện đầy đủ trong các giải pháp cải cách hiện nay. Cạnh đó, chi phí vốn rất cao, chi phí đầu vào tất cả các mặt hàng, chi phí hạ tầng cũng rất cao, trong khi chi phí về thuế đang “bị đe dọa” sẽ tiếp tục tăng sau khi 5 luật thuế được sửa đổi.
Một cái khó nữa cũng sẽ đến, bà Lan lưu ý, khi Chính phủ chưa chứng minh mức độ giảm chi phí cho doanh nghiệp và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng lên, giải thích việc cứ 4 doanh nghiệp đăng ký mới thì có 3 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phải rút lui khỏi thương trường.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, các giải pháp đưa ra năm 2018 phải tạo được thị trường cạnh tranh một cách công bằng, lấy đó làm động lực chính, thúc đẩy gia tăng hiệu quả nguồn lực, gia tăng năng suất lao động. Năm 2018 cần tiếp tục là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Muốn vậy, Chính phủ phải mạnh tay hơn trong việc bãi bỏ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh trong số 4.300 điều kiện mà Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ xác nhận. Như vậy, số điều kiện kinh doanh phải được cắt giảm xuống mức 2.000 điều kiện trong năm 2018 và tiếp tục rà soát trong các năm tiếp theo.
Chính phủ cần sớm loại bỏ một nửa số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, đồng thời thực hiện mạnh mẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ngành hải quan đã cố gắng, nhưng chưa làm “đến nơi, đến chốn”, vẫn khẳng định chỉ chịu trách nhiệm 38% các quy định về hải quan, 62% còn lại là thuộc thẩm quyền các bộ ngành khác.
Nghị quyết 19 năm 2018 đang được soạn thảo. Đề xuất của giới học giả cho nghị quyết này tiếp tục theo xu hướng sử dụng những chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn của các nền kinh tế thị trường hiện đại để thiết kế, giám sát và đo lường kết quả cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Hải Vân
Theo Nhipcaudautu.vn