"Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm như muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới phải nhập khẩu công nghệ ứng dụng vào sản xuất".
Nhật Bản có gì để 'quyến rũ' doanh nghiệp Việt?
- Cập nhật : 08/12/2017
Cùng với quá trình phục hồi kinh tế và thực hiện chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài tại châu Á, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại buổi họp báo về “Chương trình hỗ trợ đầu tư sang Nhật Bản” của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) ngày 6/12 tại Hà Nội, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Hironobu Kitagawa cho rằng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay và môi trường đầu tư của Nhật Bản đang hoàn thiện hơn các quốc gia khác.
Ông Hironobu Kitagawa (giữa), Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, ông Nguyễn Sĩ Hải, Đại diện JETRO (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Minh Tuấn
Lý do nào để đầu tư vào Nhật Bản?
Vị trưởng đại diện JETRO đã nêu ra 5 lý do chính để Nhật Bản hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi. Kể từ sau khi chính sách Abenomics được áp dụng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật đã phục hồi đều sau một thời kỳ giảm phát, đạt 1,5% trong năm 2016 và dự báo đạt 2,5% trong năm nay.
Thuế thu nhập doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hiện giảm còn 29,97% từ mức 34,62% năm 2014 và 32,11% năm 2015.
Chính phủ Nhật đang tiến hành cải cách luật pháp để thu hút dòng đầu tư mới, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, chăm sóc y tế và năng lượng (mở cửa toàn bộ thị trường bán lẻ điện và khí đốt).
Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Abe đang tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài, xây dựng các đặc khu kinh tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thu hút nhân tài.
Thứ hai, đại diện JETRO cho rằng Nhật Bản là một thị trường rất phát triển, với quy mô GDP lớn thứ ba thế giới và nhiều vùng có nền kinh tế tương đương nhiều quốc gia khác.
Có đến 86% trong số gần 200 doanh nghiệp nước ngoài được khảo sát cho rằng quy mô thị trường lớn của Nhật Bản là một lợi thế của nước này.
Nhật Bản đứng thứ ba thế giới về mức độ đầu tư của các tập đoàn lớn, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Tại đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Coca-Cola, Netslé, Johnson & Johnson, Richemont… chiếm phần lớn thị phần, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng.
Thứ ba, Nhật Bản khẳng định vị thế là trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới, với vị thế đứng đầu các nước G7 về tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và tỷ lệ nhà nghiên cứu trong dân số, ông Kitagawa cho biết.
Thứ tư, Nhật Bản có cơ sở hạ tầng phát triển, thuận lợi cho kinh doanh.
Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nhật Bản đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về mức độ hoàn thiện về môi trường kinh doanh, đại diện của JETRO cho biết.
Hơn nữa, Nhật Bản có ưu thế vượt trội về hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, vệ sinh và chi phí thuê văn phòng (trong số các trung tâm tài chính phát triển nhất thế giới).
Ông Kitagawa nhấn mạnh rằng Nhật Bản có mạng lưới giao thông phát triển bậc nhất thế giới, với 51 sân bay có kết nối với quốc tế và hơn 24,3 tỷ lượt khách sử dụng dịch vụ đường sắt mỗi năm. Đặc biệt, hệ thống tàu cao tốc Shinkansen chưa ghi nhận tai nạn gây tử vong nào trong vòng 50 năm qua.
Thứ năm, đại diện JETRO đánh giá Nhật Bản có môi trường sống thuận tiện và an toàn, với các dịch vụ phục vụ sinh hoạt và vui chơi giải trí đứng đầu thế giới.
Tạp chí Monocle của Anh năm 2016 ghi nhận Tokyo đứng đầu trong số 25 thành phố đáng sống nhất thế giới. Hai thành phố khác của Nhật là Fukuoka và Kyoto cũng xếp hạng 7 và 9.
Hỗ trợ đầu tư “hết nấc”
Ngoài việc xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam thông thường, JETRO còn có Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ngược trở lại Nhật Bản. Khi có nguyện vọng đầu tư sang Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ trong việc mở văn phòng đại diện, lập chi nhánh, công ty con hoặc pháp nhân tại Nhật và các dịch vụ khác hoàn toàn miễn phí.
Theo ông Nguyễn Sĩ Hải, Đại diện JETRO, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác, doanh nghiệp Việt khi đầu tư sang Nhật sẽ được cung cấp văn phòng tạm thời với đủ trang thiết bị như Internet, điện thoại, fax… trong vòng 50 ngày làm việc tại Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp (IBSC) được đặt tại 6 thành phố lớn là Tokyo, Yokohama, Nagoya, Osaka, Kobe và Fukuoka.
Ngoài ra, phần hỗ trợ “mềm” bao gồm dịch vụ tư vấn miễn phí về các thủ tục pháp lý, thuế, tuyển dụng lao đông, thông tin về thị trường, kết nối các đối tác tiềm năng.
Đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản còn khiêm tốn
Từ năm 2003 đến nay, đã có 16.000 công ty nước ngoài sử dụng dịch vụ này của JETRO và khoảng 1.600 trong số đó đã mở công ty thành công.
Tuy vậy, số doanh nghiệp đầu tư sang Nhật còn ít, với chỉ 49 dự án và tổng số vốn đầu tư 7,5 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sử dụng chương trình hỗ trợ này của JETRO và 6 trong số đó đã mở thành công công ty tại Nhật, bao gồm FPT (năm 2005 tại Tokyo) và gần đây nhất là Tập đoàn CMC (tháng 10/2017 tại Yokohama) và một số công ty tư vấn, ông Hải thông tin.
Tập đoàn FLC đã mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản và sắp tới hãng hàng không VietJet Air sẽ đầu tư vào đây, ông Hải nói thêm.
Theo ông Kitagawa, Nhật Bản chào mời đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, bao gồm chế biến chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ (vận tải, công nghệ thông tin, du lịch…).
“Ở bất cứ lĩnh vực nào, Chính phủ Nhật Bản cũng có ưu đãi và chính sách hỗ trợ tốt”, vị đại diện JETRO nhấn mạnh.
Tính khắt khe trong các quy định đối với các sản phẩm sản xuất ở Nhật Bản sẽ là một thách thức nhưng cũng là lợi thế khi đầu tư vào đây, bởi sản phẩm đó có thể đáp ứng được tiêu chuẩn ở các nước khác, ông Kitagawa nói.
“Sản phẩm nào thành công ở Nhật Bản cũng có thể thành công trên thế giới”, ông nhấn mạnh.
Ông Kitagawa bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản. “Tôi mong các doanh nghiệp và người dân tận dụng thời điểm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang hết sức tốt đẹp này”, ông nói.
Trả lời câu hỏi của BizLIVE, ông Kitagawa cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nhật Bản đã tăng đều theo các năm, và với chương trình hỗ trợ này của JETRO, dự kiến FDI ở Nhật sẽ đạt 35.000 tỷ yên vào năm 2020.
Trong số các ngành mà Việt Nam có ưu thế đầu tư vào Nhật Bản còn có lĩnh vực IT và điều dưỡng hộ lý.
“Tuy nhiên, không nên bó gọn trong những lực vực này mà còn có nhiều lĩnh vực khác như chuỗi nhà hàng, sản phẩm thủ công truyền thống”, ông nói.
MINH TUẤN
Theo Bizlive.vn