Có thể nói rằng lần cắt giảm lãi suất tiền gửi USD lần này là một hành động "tận dụng” những công cụ còn lại để NHNN kiên quyết “nói không” với điều chỉnh tỷ giá VND trong thời điểm này.
TS. Trương Văn Phước: “Bất chấp Fed làm gì cũng không nên điều chỉnh tỷ giá quá 5%”
- Cập nhật : 18/12/2015
(Tai chinh)
Theo nhận định của TS. Trương Văn Phước, việc FED tăng lãi suất không có gì đáng lo và chúng ta cũng đừng chạy theo màn "biểu diễn thời trang" của đồng NDT nữa vì coi chừng sẽ phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô.
Rạng sáng nay (17/12 – theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ, đồng thời nâng lãi suất USD lên 0,25%.
Đánh giá về tác động của sự kiện này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng câu chuyện tỉ giá và lãi suất sẽ tiếp tục nóng trong năm 2016. Bối cảnh 2016 sẽ rất phức tạp, dòng vốn dịch chuyển đa dạng. Do đó, chính sách tỉ giá cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa.
Theo ý kiến của ông, việc tăng độ linh hoạt được thực hiện qua 4 điểm. Nếu thị trường vẫn cần tín hiệu như vậy của NHNN thì có thể công bố nhưng có điều kiện, là trong bối cảnh nó bình thường, còn nếu thị trường biến đổi thì ta có thể linh hoạt. Tỉ giá liên ngân hàng để được công bố hàng ngày nhưng tỉ giá là hàng giờ. Thị trường tự do hàng giờ nên cần công bố tần suất nhiều hơn.
Ông Lực cho rằng biên độ đang ở mức 3% và ta không nên nới rộng bởi "áo lùng thùng là không tốt" nhưng cần có điều chỉnh để linh hoạt.
Về dự trữ ngoại hối, NDT được đưa vào rổ tiền tệ SDR, thì trong tương lai sắp tới chúng ta cũng nên suy nghĩ mua dự trữ ngoại hối bằng NDT hay không? Báo giấy nước ngoài cho rằng tháng 9/2016 sẽ cực kì sôi động khi NHTW các nước mua NDT về, chính vì thế chúng ta cần cân nhắc thời điểm mua dự trữ ngoại hối.
Về lãi suất, ông Lực đề xuất giảm đi 1 chút nhưng hiện chưa phải thời điểm thích hợp. NHNN có thể cân nhắc giảm lãi suất khoảng 0,25%.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước áp lực của tỷ giá, NHNN có 4 cách để xử lý tình huống. Thứ nhất, NHNN tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường để cân bằng cung cầu. Tuy nhiên ông cho rằng dự trữ ngoại hối của NHNN cũng có giới hạn, nên không thể bán mãi được.
Thứ hai là NHNN có thể dùng thông tư, quy định hành chính để điều chỉnh mà vừa qua, NHNN cũng đã có 2 thông tư quan trọng là đẩy lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0,25% cho cá nhân và 0% cho doanh nghiệp.
Theo ông, sắp tới đây NHNN có thể kéo lãi suất xuống thấp thậm chí âm, điều này nhằm hạn chế người dân giữ USD trong tài khoản. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng sẽ có những tác động mà chúng ta cũng chưa thể lường hết được.
Công cụ nữa mà vừa qua NHNN cũng đã tiến hành là triệu tập các ngân hàng lớn để hỗ trợ NHNN. Tuy nhiên ông cho rằng công cụ này cũng có giới hạn bởi thực chất các Ngân hàng là làm ăn kinh doanh, phải làm ăn có lời.
Ngoài ra, ông Hiếu khuyến nghị năm 2016, chính sách của ngân hàng về tỷ giá nên linh hoạt hơn, không nên neo ở mức nào, không nên có những cam kết cứng. Biến động tiền tệ 2016 trên thế giới chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như giá dầu xuống mức thấp, với những biến động từ đồng NDT, Fed tăng lãi suất…đưa thế giới vào sự chao đảo nên chúng ta cần sự linh hoạt để ứng phó với biến động đó”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, FED tăng lãi suất không có vấn đề gì cả. Toán học có định đề và thị trường ngoại hối cũng đã có những định đề của riêng nó.
“Việc FED tăng lãi suất không có gì đáng lo, theo tôi đồng USD không tăng giá nhiều. NHNN không nên điều chỉnh hối đoái quá 5% bất chấp FED làm cái gì”, ông Phước nói.
Ông nhấn mạnh thêm “Chúng ta đừng chạy theo biểu diễn thời trang của đồng NDT nữa vì coi chừng sẽ phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô.”