tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

GS. Trần Văn Thọ: 'Cái đơn giản không làm, Việt Nam cứ nghĩ tới Cách mạng 4.0 cao xa'

  • Cập nhật : 11/01/2018

"Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm như muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới phải nhập khẩu công nghệ ứng dụng vào sản xuất".

gs. tran van tho, thanh vien to tu van kinh te cua chinh phu, dai hoc waseda, tokyo.

Gs. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, Đại học Waseda, Tokyo.

Gs. Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ, Đại học Waseda, Tokyo chia sẻ điều này tại Hội thảo chuyên đề Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018, diễn ra sáng 11/1.

Lấy ví dụ từ Nhật Bản, GS. Thọ cho biết, 60 năm trước, Nhật Bản giống Việt Nam như bây giờ về cơ cấu GDP, xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 20 năm, Nhật Bản đã trở thành nước công nghiệp hiện đại.

"Mỗi năm, Nhật Bản tăng trưởng kinh tế 10%, giai đoạn này kéo dài 20 năm, 6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật. Tôi mong Việt Nam thời gian tới sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, ít là phát triển 10%, trong vòng 4-5 năm", ông Thọ đánh giá.

Theo GS. Thọ, để đạt được điều này, Nhật Bản đã đẩy mạnh cải thiện năng suất lao động như trong những năm 1955-1960, Nhật Bản chủ yếu là nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Năng suất tăng nhờ phân bổ lại lao động, tăng quy mô nhà máy và cải tiến công nghệ. 

Liên hệ Việt Nam, ông Thọ nói: "Tôi không tìm thấy ở Việt Nam có số liệu thống kê về công nghệ nhập khẩu mỗi năm. Vì vậy, thời gian tới, các bộ ngành liên quan nên thống kê công nghệ nhập khẩu du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam mỗi năm bao nhiêu, theo ngành gì".

Hơn nữa, Việt Nam cứ nghĩ tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cao xa mà có những vấn đề đơn giản chúng ta không làm như muốn rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước, phải nhập khẩu công nghệ nước ngoài về ứng dụng vào sản xuất.

Đồng thời, với Nhật Bản, mỗi kế hoạch chính sách của họ chỉ được thực hiện trong 5 năm, nhưng Việt Nam ông Thọ đánh giá có khi cả 40 năm mới thực hiện một chính sách. 

Chính vì vậy theo vị giáo sự này, Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau.

Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, từ tăng qui mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay. Đồng thời, khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất.

Cần phải cải thiện năng suất 

Nhìn vào con số thống kê về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết, từ khi đổi mới, mở của, tốc độ tăng trưởng đi theo xu hướng giảm dần. Cụ thể, giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 7,51%, đến 2006 -2010 tốc độ giảm 7,02%, 2011-2015 tốc độ chỉ còn 5,67%. Rõ ràng mô hình tăng trưởng không phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế.

Trong đó, ông Tuấn nhấn mạnh, năng suất lao động rõ ràng có vấn đề, căn cứ vào con số thống kê thấy rất buồn. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 “chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào. Điều đáng lo hơn cả là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng”. 

Trước thực trạng này, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, khuyến nghị, để tránh bẫy thu nhập trung bình, phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần thiết lập mô hình phát triển kinh tế mới.

Theo đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam cần khởi động chiến dịch mang tính toàn quốc để nâng cao nhận thức, tăng năng suất là yếu tố chính tăng sức cạnh tranh kinh tế Việt Nam đi kèm hành động cụ thể. 

Quan trọng hơn, ông Umeda Kunio cho rằng, Việt Nam cần tăng cường không chỉ năng suất của công ty tư nhân mà còn năng suất của chính Chính phủ. Thông qua đó, hỗ trợ khu vực tư nhân. Làm thế nào để có thể phối hợp nhịp nhàng thủ tục hành chính, cải cách doanh nghiệp quốc doanh rất quan trọng tới tương lai của đất nước.

GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS), Nhật Bản cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tăng năng suất đối với Chính phủ Việt Nam.

Liệu Việt Nam có thể tránh bẫy thu nhập trung bình? Làm thế nào để các ngành kinh tế của Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh thông qua nâng cao năng suất.

Sáng tạo không thể đạt được nếu thiếu sự thay đổi cách nghĩa và phân tích thấu đáo.

Liệu các doanh nghiệp nhà nước có thể cổ phần hoá khi không cải thiện năng suất và kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao năng suất?

Đó là những câu hỏi GS. Ohno đưa ra và cần được sớm trả lời trước khi có những quyết định quan trọng.


THUÝ LINH
Theo Bizlive.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục