Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng.
Vấn nạn thực phẩm bẩn: "Con sâu không chỉ làm rầu nồi canh"
- Cập nhật : 15/07/2016
(Tieu dung)
Vấn đề mất an toàn trong vệ sinh thực phẩm còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức của các sản phẩm do con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo Nông nghiệp an toàn diễn ra sáng nay (15/7), ông Phạm Xuân Đương - Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm còn cao
Đáng lưu ý, theo đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tăng trưởng và giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm trong khi vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân.
Thậm chí, vấn đề mất an toàn trong vệ sinh thực phẩm còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức của các sản phẩm do con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
"Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn. Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm", ông Đương cho biết.
Đồng quan điểm, TS Vũ Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thừa nhận rằng, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn của Việt Nam còn rất cao. Số liệu thống kê từ đợt cao điểm kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm (10/2015-2/2016) cho thấy, có trên 5% mẫu rau kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép; 2%-6% mẫu thịt có chứa chất cấm, 7% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn; trên 20% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Nông dân đang tự làm hại mình và hại nông dân cả nước
Theo đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, đại bộ phận nông sản nước ta là do các hộ tiểu nông sản xuất theo cách thức truyền thống do có vốn liếng ít ỏi, không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả hai bên liên kết - doanh nghiệp và các hộ nông dân - dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm “sạch” và làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại với phương thức sản xuất nhỏ.
"Chưa nói đến việc đầu tư trang bị sản xuất theo phương thức công nghiệp ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các cánh đồng do nông dân thực hiện GAP, chi phí cho sản xuất sạch thường cao hơn sản xuất theo cách thức thông thường", ông Tuấn Anh nói.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chỉ tính riêng chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho mỗi “cánh đồng lớn” do vài chục hộ nông dân canh tác cũng lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng. Khoản này đội giá thành lên vài trăm đồng trên mỗi kilô thóc. Trong khi đó, nông sản trồng theo GAP như lúa, cây ăn trái, chè… ở một số địa phương do không có đầu mối đưa đến tận tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi các thương lái, thì lại hòa lẫn với các nông sản trồng theo phương thức thông thường, vì vậy cũng chỉ bán với giá thông thường. “Đầu ra tiêu thụ” là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch.
Những quy định pháp luật như vậy rõ ràng chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước không xác định được trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân cụ thể về an toàn thực phẩm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.
Một điểm hạn chế cũng được ông Tuấn Anh chỉ ra rằng, số đông người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm và vì vậy chưa có lối sống tiêu dùng thực phẩm sạch và chưa đòi hỏi nghiêm khắc đối với chất lượng an toàn. Trong mua bán thực phẩm, những tiêu chuẩn tươi, đẹp, bắt mắt, thơm ngon và rẻ thường được người tiêu dùng coi là ưu tiên hơn, thậm chí đồng nghĩa với sạch, an toàn. Vì vậy, nông sản mà sản xuất và chế biến không an toàn vẫn được tiêu thụ phổ biến ở chợ, trên đường phố, các hàng quán bình dân, thậm chí được đưa vào tiêu thụ ở những siêu thị, nhà hàng cao cấp.
Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan như hiện nay, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn: "Một bộ phận nông dân đang tự làm hại mình và làm hại nông dân cả nước. Việc lạm dụng chất tạo nạc của các trại nuôi heo, việc lạm dụng hóa chất độc hại để thúc đẩy quá trình sinh trưởng hay làm chín trái cây làm mất niềm tin của người tiêu dùng, đẩy người tiêu dùng đi tìm kiếm nông sản nhập khẩu".
"Con sâu không chỉ làm rầu nồi canh"
Nhìn rộng hơn, TS Lê Đăng Doanh cho hay, trên thị trường xuất khẩu, một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu. Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm để tăng trọng, kể cả nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng.
"Ở đây, "con sâu không chỉ làm rầu nồi canh" mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm", ông nhấn mạnh.
Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (Sanitary and Phytosanitary Standard, SPS) như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, cũng như những yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch... Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra.
"Một lần nữa, nông nghiệp nước ta lại đứng trước tình trạng "nước đến chân mới nhảy", không còn chỗ để lùi, phải gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, chuyển nông dân và ngư dân hoạt động theo truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, công nhân ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường", ông Doanh nói.
Ông Doanh cũng cho rằng, vai trò của Nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này. Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho nông dân và doanh nghiệp, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để doanh nghiệp và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành.