tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơ cấu lại nền kinh tế - Góc nhìn từ những nguồn lực bị đánh mất: Những đồng tiền chôn trong đất

  • Cập nhật : 28/11/2017

Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đang rà soát để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cản trở cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Nền kinh tế không thể để mất thêm những nguồn lực do các bước chậm trễ trong thực thi.

Nếu 19% trong 3,8 triệu ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng loại cây khác, nền kinh tế Việt Nam có thể thu được lợi ích là 6 tỷ USD trong 20 năm. Nếu bỏ hạn chế cây trồng sẽ giúp tăng GDP, tăng tiêu dùng trong nông nghiệp. Nếu nông dân có quyền đầy đủ với diện tích đất nông nghiệp của mình, họ sẽ có cơ hội làm giàu ngay tại quê hương.

Cơ hội sống khá giả hơn cứ vuột đi

TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) không dứt ra nổi câu chuyện về dự án nông nghiệp chia sẻ mà ông vừa được tiếp cận.

chinh sach chia deu ruong dat, quy dinh han dien va su vang bong cua thi truong quyen su dung dat nong nghiep khien ruong dat bi phan manh, kho tich tu.

Chính sách chia đều ruộng đất, quy định hạn điền và sự vắng bóng của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp khiến ruộng đất bị phân mảnh, khó tích tụ.

“Họ chỉ cần có 15 ha, đã làm việc với 400 hộ dân mà không xong. Chính quyền địa phương rất ủng hộ, nhưng không có hành lang pháp lý để hỗ trợ”, TS. Thắng đau đáu.

Chưa muốn tiết lộ cụ thể dự án này bởi lý do riêng từ người chủ là một tiến sỹ ngành quy hoạch, vừa từ nước ngoài về, nhưng ông Thắng sốt ruột khi thấy ý tưởng kinh doanh mới mẻ, hợp thời công nghiệp 4.0, có lợi cho tất cả, từ nông dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp, môi trường canh tác nông nghiệp ở địa phương tới tư duy của người góp vốn và phân chia sản phẩm theo hình thức chia sẻ… lại tắc.

“Không có thị trường mua bán quyền sử dụng đất nông nghiệp thì dự án này đành để trên giấy. Nhưng, chúng tôi cảm thấy xót xa khi nhìn những đồng ruộng không được đầu tư, chăm sóc, thậm chí là để hoang. Đất là tiền, ý tưởng kinh doanh cũng là tiền mà đành để vuột qua, lãng phí không thể tính hết”, ông Thắng nói.

Một tháng trước, ông và cộng sự từ CIEM có chuyến nghiên cứu thực tế tới các huyện ngoại thành của Hà Nội và Hải Phòng tìm tư liệu phục vụ cho các đề xuất chính sách thực hiện các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2018-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vừa được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đích thân làm trưởng ban hồi đầu tháng 11/2017. Nhiệm vụ mà họ được giao là nghiên cứu, tổng hợp điển hình tốt, cách làm tốt và các trường hợp chưa tốt trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương để kiến nghị các giải pháp thúc đẩy. Họ đã phát hiện rằng, nhiều vùng đất được quy hoạch trồng lúa ở Hà Nội và Hải Phòng đã không còn ý nghĩa nuôi sống người nông dân nữa.

“Chúng tôi đã hỏi, nếu vụ mùa tới họ không trồng lúa nữa, họ có sống được không? Câu trả lời là có. Thu nhập từ trồng lúa của người nông dân Hải Phòng, Hà Nội hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng thu nhập. Nhiều người đã kiếm tiền từ các nghề khác, thậm chí bỏ quê ra thành phố làm việc. Lý do duy nhất họ giữ đất vì không có sự lựa chọn nào khác khả dĩ hơn”, ông Thắng kể.

Sao đất không nuôi nổi người

Chỉ cách những mảnh ruộng trong diện quy hoạch trồng lúa một tầm mắt, giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp được phép sử dụng trồng cây khác có giá trị gấp 5-9 lần.

Theo Khảo sát Tiếp cận nguồn lực hộ gia đình năm 2014, giá đất trồng lúa trung bình là 49.500 đồng/m2, trong khi đất không trồng lúa là khoảng 447.000 đồng/m2.

Giá cả còn cao hơn với các vùng chính quyền địa phương đã quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, cho dù quy hoạch này thực tế vẫn chưa dựa trên quan hệ cung - cầu của thị trường hay nhu cầu của người dân địa phương.

“Giá đó thể hiện suất sinh lời của quyền sử dụng đất và cơ hội cải thiện năng suất lao động, sức sáng tạo của chính người nông dân. Chúng tôi đang tính sẽ kiến nghị cơ chế thí điểm giảm diện tích đất trồng lúa, thí điểm cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, áp dụng cơ chế thị trường trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hà Nội và Hải Phòng đều sẵn sàng thí điểm. Trong tháng 12 tới, chúng tôi sẽ đi thực tế tới 3 tỉnh miền Trung và 4 tỉnh miền Tây Nam bộ để nghiên cứu thêm. Nền kinh tế không thể lãng phí thêm nữa nguồn lực quý giá từ đất”, ông Thắng nói với tư cách chuyên gia nghiên cứu.

Đề xuất này tất nhiên không mới. Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội ban hành tháng 12/2016 đã yêu cầu tổng kết tính hiệu quả của các mô hình trong thực tiễn, rút ra bài học về tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Đặc biệt, việc khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp về quyền sử dụng đất, nhất là với đất nông nghiệp được nhấn mạnh.

“Vấn đề là cần phải thực hiện nhanh, vì càng để lâu, sẽ không chỉ gây ra lãng phí nguồn lực, mà còn làm nảy sinh thêm nhiều méo mó, khuyết tật của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khuyến nghị.

Quý II/2017 vừa rồi, CIEM cũng đã công bố Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo, với mục địch xác định các rào cản về thể chế và chính sách trong sản xuất lúa gạo.

“Nông dân phải có quyền sử dụng như một tài sản với đất ruộng của mình. Khi họ có nhu cầu chuyển đi, họ có thể bán được, thu xếp được cuộc sống của họ, có thể khởi nghiệp ở nơi khác, bằng nghề khác”, ông Cung mong muốn.

Nhưng hiện tại, các chính sách về đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng không cho phép họ có quyền lựa chọn này. Thậm chí, các quy định hiện hành đang được nhìn nhận là rào cản vô cùng lớn với đầu tư, với yêu cầu thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, hạn chế  tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và năng suất lao động trong ngành lúa gạo. Thậm chí, các chuyên gia CIEM đã tính toán, chính sách hạn chế chuyển đổi cây trồng đang gây thiệt hại rất đáng kể về kinh tế cho đất nước và thu nhập của người nông dân trồng lúa.

“Nếu 19% diện tích canh tác lúa được chuyển sang các cây trồng khác, nền kinh tế Việt Nam có thể thu được lợi ích là 6 tỷ USD trong 20 năm”, ông Cung chia sẻ.

Con số này chưa tính tới hệ lụy từ chính sách thu hồi đất nông nghiệp cho mục đích sử dụng khác với mức đền bù thấp, thiếu tính thị trường đang làm cho đất trồng lúa có giá trị thấp, rủi ro cao, làm nản lòng nhà đầu tư vào nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng.

Hơn thế, nền kinh tế còn phải gánh chịu thêm nhiều lãng phí do các rào cản thể chế làm thui chột cả cung và cầu đất trồng lúa, tạo cơ hội cho các kiểu kinh doanh dựa trên quan hệ thân hữu.

“Không thể né tránh dư địa của tham nhũng, lợi ích nhóm và cả các vấn đề mâu thuẫn xã hội phát sinh do giá đất có sự phân biệt đối xử rất lớn giữa người sử dụng khác nhau”, ông Cung phân tích thêm.

Không thể chôn mãi tiền

Nhóm Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) đang tính tới đề xuất cho phép ứng tiền trước để xử lý các vấn đề của ngành nông nghiệp mà Chính phủ đang đối mặt, để nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách của ngành ngay trong vòng 3 năm tới.

“Đường đi đã có, doanh nghiệp cần hành lang rõ ràng càng sớm, càng tốt. Doanh nghiệp có nguồn vốn, có kinh nghiệm thực tiễn, có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, nhưng không có đủ đất và không có hành lang pháp lý để tích tụ ruộng đất”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng thư ký VPSF đã đưa kiến nghị này tới Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong hội thảo tìm kiếm động lực tăng trưởng và giải pháp cho kinh tế Việt Nam năm 2018 do Viện hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam tổ chức giữa tháng 11/2017.

Giới kinh doanh sốt ruột khi  mỗi ngày trôi qua, lãng phí nguồn lực, lãng phí cơ hội từ những bất cập trong chính sách đất đai tăng dần lên, kéo lùi động lực đầu tư sản xuất, tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ và qua đó, làm giảm năng suất, khả năng cạnh tranh của ngành, của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người nông dân.

Họ sốt ruột vì Việt Nam vẫn có một cơ cấu trồng trọt chậm thay đổi trong cơn đổ bộ của cuộc cách mạng 4.0. Trong giai đoạn 1990-2013, đất trồng lúa của Việt Nam giảm từ 70% xuống còn khoảng 65%, đất trồng rau quả tăng chậm từ 10% lên khoảng 15%. Nhưng cũng giai đoạn này, đất trồng rau quả của Trung Quốc tăng từ trên 10% lên tới 30%. Hơn thế, 47% số hộ nông dân cả nước có diện tích đất trồng lúa dưới 0,2 ha.

Các chính sách về đất trồng lúa và duy trì sản lượng cao để đảm bảo an ninh lương thực thậm chí đang gây lãng phí rất lớn. Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, ngay cả khi chỉ có 3 triệu héc-ta đất trồng lúa, thì sản lượng lúa gạo vẫn thừa đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, với mức duy trì diện tích lúa là 3,8 triệu héc-ta, hàng năm Việt Nam đang xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo, với giá bán thấp hơn giá bán lẻ trong nước.

Tình hình ngành lúa gạo còn đáng ngại hơn khi phải gánh cả bất cập trong thể chế, chính sách về sản xuất, xuất khẩu gạo, nhất là khi người cầm trịch là doanh nghiệp nhà nước vốn không coi hiệu quả là mục tiêu cao nhất trong hoạt động.

“Tại sao nguồn lực của chúng ta đã ít, lại lãng phí để “bao cấp” gạo cho nhiều nước khác? Tại sao không để người nông dân có cơ hội làm giàu ngay tại quê hương? Tại sao Việt Nam không có doanh nghiệp nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh cao?”, TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia thực hiện nghiên cứu Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo tiếp tục đặt vấn đề.

 

Khánh An
Theo Baodautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục