Cho dù kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về con đường phía trước của khu vực kinh tế này.
ADB: Nông nghiệp kéo lùi tăng trưởng kinh tế Việt Nam
- Cập nhật : 11/04/2017
Đó là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển của Việt Nam
Ngày 10-4, tại Hà Nội, ADB công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2017.
GDP tăng trưởng 6,5%
Báo cáo ADO đưa ra dự báo khá lạc quan khi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% năm 2018 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch. Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tăng trưởng tốt trong khu vực châu Á.
Cán cân thanh toán được dự báo tiếp tục ổn định dù có những bất ổn trên thị trường toàn cầu.Lạm phát vẫn tiếp tục tăng với chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4% trong năm 2017 và 5% năm 2018. Giá dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông và mức lương tối thiểu tăng. “Tuy nhiên, những diễn biến này sẽ không gây ra cú sốc cho tăng trưởng của Việt Nam” - chuyên gia kinh tế ADB, ông Aaron Batten, nhận định.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục. Giải ngân FDI tiếp tục tăng trong 2017-2018, riêng quý I năm nay, vốn FDI giải ngân đạt 3,6 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đó, sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước tăng trưởng, tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm. “Do đó, kể cả không còn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam vẫn là điểm thu hút FDI hàng đầu” - ông Aaron Batten nhìn nhận.
Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, lên 33 triệu người vào năm 2030 cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ. Đây sẽ là các động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới.
Báo cáo ghi nhận trong khi hầu hết các nước ASEAN có mức xuất khẩu giảm trong năm 2015-2016, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 8,3% mỗi năm. Đặc biệt, tỉ trọng các mặt hàng công nghệ cao tăng vọt từ 2% lên 12% trong tổng số hàng xuất khẩu của ASEAN. “Việt Nam hiện nay đã trở thành trung tâm sản xuất, chế tạo của khu vực” - ông Aaron Batten nói.
Hưởng lợi ít, nông dân mất động lực
Là tác giả chính của Chương Việt Nam trong Báo cáo ADO 2017, ông Batten cho rằng tăng trưởng ở Việt Nam vẫn ổn định nhưng vẫn dưới mức cần thiết để đạt vị thế nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. “Dù lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp bùng nổ nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức 7% và có xu hướng đi xuống. Với mức tăng trưởng hiện tại, Việt Nam sẽ chỉ là nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2031” - ông Batten cảnh báo.
Trong đó, nông nghiệp vẫn là một trong những nhân tố chính kéo kinh tế tăng trưởng chậm lại. “Nông nghiệp chiếm 18% tổng GDP nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2011 chỉ đạt 2,4%, kéo lùi tăng trưởng kinh tế. Không những thế, tăng trưởng trong nông nghiệp còn có xu hướng suy giảm” - báo cáo phân tích.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định yếu tố chính cản trở phát triển nền nông nghiệp là do nông dân nhận được rất ít lợi nhuận từ quá trình sản xuất của họ, trong khi công đoạn trung gian là những doanh nghiệp được hưởng nhiều hơn. Do đó, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện ngay những cơ chế, chính sách pháp luật, nhất là trong huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Batten cho rằng để cải thiện tăng trưởng nông nghiệp thì phải cải thiện năng suất lao động. Sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 Indonesia, bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines. Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn chịu áp lực về môi trường vì sử dụng nhiều đất, nước, phân bón hơn. Việt Nam đang sử dụng nhiều nguồn lực trong chuỗi cung ứng nông nghiệp. Trong đó, những khâu trung gian như buôn bán phân bón, máy móc, chế biến… mới là những người hưởng lợi nhiều nhất, trong khi nông dân được hưởng lợi ít nhất khiến họ mất động cơ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Việt Nam phải chuyển đổi cấu trúc trong chuỗi cung ứng để giá đầu vào như máy móc, phân bón không cao bất hợp lý với người nông dân, bảo đảm nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Cần tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, tránh tình trạng độc quyền” - chuyên gia kinh tế của ADB khuyến nghị.
Dương Ngọc
Theo nld.com.vn