Gần 2 năm sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành hình (31-12-2015), nhưng mục tiêu tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung của 10 quốc gia thành viên vẫn đang gặp nhiều thách thức.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Việt Nam đang “đứng” đâu?
- Cập nhật : 15/04/2017
Cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau, quy mô, phạm vi và sự phức tạp của nó sẽ không giống với bất kỳ cuộc cách mạng nào mà con người đã trải nghiệm trước đó. Vậy, Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp này?
LTS: Gần đây cụm từ “Cách mạng công nghiệp thứ 4” hay từ viết tắt "CMCN 4.0" xuất hiện khá nhiều và trở thành cụm từ, thuật ngữ phổ biến. Tuy nhiên, thế nào là cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, nội dung và xu thế phát triển của cuộc cách mạng này là gì thì vẫn chưa rõ ràng và cùng với đó là nhiều vấn đề cần làm rõ để xác định hướng đi, cách thức tiếp cận hiệu quả nhất.
Hiện tại, cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0 và đây được xác định là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người. Theo đó, Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển.
Trước cuộc CMCN 4.0 đang cận kề với nhiều cơ hội và thách thức, VietTimes xin giới thiệu một số thông tin cơ bản về cuộc cách mạng này để sẵn sàng cho một cuộc thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi nền kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện.
Các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đều làm thay đổi cuộc sống
Cuộc CMCN lần thứ nhất kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, đánh dấu bằng việc sử dụng nước và năng lượng từ hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Sau đó là sử dụng động cơ đốt trong, nhiên liệu than đá và xây dựng các tuyến đường sắt mở rộng giao thương.
Cuộc CMCN lần thứ hai bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20. Cuộc cách mạng này có đặc điểm nổi bật là sử dụng điện năng để phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây là thời kỳ phát minh ra máy phát điện, đèn điện, động cơ điện.
Cuộc CMCN lần thứ ba bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Đây là thời kỳ mà con người đã phát minh ra máy tính để thực hiện các công việc về trí óc thay cho con người. Ở cuộc CMCN lần thứ hai, con người mới chỉ phát minh ra các loại máy móc thay thế lao động cơ bắp. Việc phát minh ra chất bán dẫn vào thập kỷ 60 đã giúp con người tạo ra máy tính cá nhân vào những năm 70 và 80, và mạng Internet vào thập kỷ 90.
Cuộc CMCN lần thứ ba đã giúp cho máy tính, phần cứng, phần mềm và mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ. Nó làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội toàn cầu, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc CMCN mới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là gì?
Về cơ bản, cuộc CMCN 4.0 sẽ dựa trên ba lĩnh vực chính:
- Lĩnh vực Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối Internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI),
- Lĩnh vực Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
- Lĩnh vực Vật lý: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano.
Theo quan điểm của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thế giới đang ở giai đoạn đầu của CMCN 4.0 "đó là sự thay đổi cơ bản trong cách thức chúng ta tạo ra, tiêu thụ và liên đới lẫn nhau, được dẫn dắt bởi sự hội tụ của thế giới vật chất, thế giới số và con người chúng ta".
Có ba yếu tố cho thấy Cuộc CMCN 4.0 không phải là sự kéo dài của CMCN lần ba, đó là tốc độ, phạm vi và hệ thống. Tốc độ phát minh những công nghệ đột phá hiện nay chưa từng có trong lịch sử. Khi so sánh với các cuộc CMCN trước đó, cuộc cách mạng lần thứ tư đang phát triển theo hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Hàng tỷ người đang được kết nối với nhau thông qua điện thoại di động, qua mạng xã hội. Các thế hệ máy tính hiện nay đang có một sức mạnh xử lý chưa từng có với dung lượng lưu trữ tăng lên đáng kể cho phép con người dễ dàng truy cập vào kho kiến thức không giới hạn. Những khả năng này được nhân lên nhờ những công nghệ đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet vạn vật, xe tự lái, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử.
Cuộc CMCN 4.0 là sự kết hợp các công nghệ làm mờ đi đường ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.
Hiện tại, trí thông minh nhân tạo đang hiện diện xung quanh chúng ta, từ xe tự lái, máy bay không người lái đến trợ lý ảo, các phần mềm dịch thuật hoặc tư vấn tài chính. Trong những năm gần đây, loài người đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhờ vào sự gia tăng năng lực điện toán và khối lượng dữ liệu lưu trữ. Trong khi đó, công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang tương tác với công nghệ sinh học trong cuộc sống hàng ngày. Các kỹ sư, các nhà thiết kế và các kiến trúc sư đang kết hợp các thiết kế trên máy tính với các loại vật liệu mới và các kỹ thuật sinh học tổng hợp để tạo ra các sản phẩm kết hợp của vi sinh vật với cơ thể con người, với sản phẩm con người tiêu thụ và thậm chí ngay cả căn nhà nơi chúng ta đang sống.
Thách thức và Cơ hội
Giống như các cuộc CMCN trước đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn cầu. Cho đến nay, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cách mạng này chính là người tiêu dùng. Họ đã được tiếp cận dễ dàng với thế giới kỹ thuật số. Công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới làm tăng hiệu quả và niềm vui cuộc sống của mỗi cá nhân. Gọi taxi, đặt vé máy bay, đặt mua hàng hóa, thanh toán hóa đơn, nghe nhạc, xem phim, chơi game đều có thể thực hiện từ xa.
Trong tương lai, đổi mới về công nghệ cũng sẽ tạo ra một phép màu cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc sẽ giảm, các dịch vụ hậu cần (logistic) và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại sẽ giảm. Một thị trường mới sẽ được mở ra và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc CMCN 4.0 có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nó có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải. Nhưng mặt khác, việc thay thế người công nhân bằng máy móc có thể đem lại sự an toàn và tạo ra những năng suất và giá trị mới.
Tại thời điểm này chúng ta chưa lường trước được tình huống nào sẽ xuất hiện. Lịch sử phát triển cho chúng ta thấy kết quả có thể là sự kết hợp của cả hai yếu tố tích cực và tiêu cực, thách thức và cơ hội. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong tương lai tài năng sẽ thay thế cho vốn để trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất của sản xuất. Điều này sẽ khiến cho thị trường việc làm chia tách thành các phân khúc “kỹ năng thấp/giá rẻ” và “kỹ năng cao/lương cao”, từ đó sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng xã hội.
Bên cạnh sự mất cân bằng trong kinh tế, nhiều người cũng quan ngại về sự bất bình đẳng trong xã hội mà cuộc CMCN 4.0 sẽ đem lại. Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cách mạng này là các công ty công nghệ cao, vốn hóa lớn, cổ đông và các nhà đầu tư. Cuộc CMCN 4.0 sẽ có lợi cho tầng lớp giàu có hơn là người nghèo, đặc biệt là lao động trình độ thấp.
Công nghệ là một trong những nguyên nhân làm cho thu nhập của người lao động ở các nước phát triển không gia tăng, nếu không muốn nói là đang có xu hướng giảm đi. Nhu cầu về lao động có tay nghề rất cao đang tăng lên trong khi những người có trình độ học vấn và tay nghề kém hơn đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Thị trường việc làm có nhu cầu mạnh mẽ ở đầu cao và thấp, trong khi những người “thường thường bậc trung” sẽ bị loại thải dần.
Điều này giải thích tại sao có rất nhiều người lao động thất vọng và sợ hãi rằng thu nhập của họ sẽ tiếp tục trì trệ, khiến con cái họ có một tương lai không hề tươi sáng. Nó cũng giúp giải thích tại sao các tầng lớp trung lưu khắp thế giới đang ngày càng trải qua một cảm giác bất mãn, không hài lòng. Một nền kinh tế mà kẻ chiến thắng sẽ giành được tất cả trong khi người trung lưu chỉ được một phần nhỏ sẽ tạo ra một xã hội mất dân chủ và bất mãn.
Sự bất mãn cũng có thể được nhân lên bởi các thiết bị công nghệ số và các mạng truyền thông xã hội. Hơn 30% dân số toàn cầu hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Sự tương tác trên mạng xã hội sẽ giúp cho con người gắn kết và hiểu biết liên văn hóa. Tuy nhiên, truyền thông xã hội cũng có thể tuyên truyền những kỳ vọng phi thực tế về thành công của một cá nhân hay một nhóm người, đồng thời tạo cơ hội cho những ý thức hệ và tư tưởng cực đoan lan rộng.
Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc CMCN 4.0?
Mặc dù Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ là 2.200 USD (theo thống kê của Standard & Poor), nhưng Việt Nam cũng đã tham gia khá sâu rộng trong lĩnh vực Internet và truyền thông. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng Internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội (thống kê của wearesocial.net).
Hiện tại, 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại di động. Với một chiếc điện thoại được kết nối Internet, chúng ta có thể được cập nhật các tin tức thời sự xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng ta cũng thể đặt vé máy bay, gọi taxi giá rẻ hay lên mạng xã hội tán gẫu với bạn bè. Việt Nam đang được tận hưởng những công nghệ mới nhất của thế giới trong lĩnh vực truyền thông di động. Đây cũng là cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN 4.0.
Có 2 lĩnh vực được nhắc đến trong CMCN 4.0 thuộc về y học là cấy ghép và in 3D thì Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định. In 3D còn được gọi là công nghệ “chế tạo cộng”. Nó khác với công nghệ sản xuất vật liệu thông thường ở chỗ không phải gọt giũa phôi (chế tạo trừ) để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, ngược lại nó được chế tạo theo từng lớp, bổ sung dần dần cho đến khi khi sản phẩm hoàn thiện. Công nghệ in 3D đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên do giá thành thiết bị khá đắt đỏ nên chưa ứng dụng được nhiều.
Hiện nay, in 3D đã được ứng dụng tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, mỹ thuật, y học đến kiến trúc, xây dựng. Thành tựu nổi bật nhất là vào năm 2016, các bác sỹ của bệnh viện chợ Rẫy đã in một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho bệnh nhân L.N.T 17 tuổi. Bệnh nhân này bị chấn thương sọ não với một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140 mm. Sau khi được phẫu thuật ghép mảnh sọ nhân tạo, bệnh nhân đã hồi phục.
Việt Nam cũng đã có những tiến bộ trong việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư. Các bác sỹ đã làm khá thành tạo các ca phẫu thuật ghép thận, ghép tạng. Về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất nhanh.
Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), một trong những đặc trưng chủ yếu của CMCN 4.0, chúng ta cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống Săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs. Hệ thống AI này được các ngân hàng, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu. Anh Thành cho biết để có được kết quả thống kê, hệ thống AI hàng ngày phải phân tích vài tỷ câu văn – đây là một khối lượng hoàn toàn quá sức với con người, mà chỉ có trí thông minh nhân tạo mới có thể đảm đương được.
Một dự án AI khá thú vị khác là của tiến sỹ Nguyễn Tuấn Đức cùng các cộng sự tại Alt Việt Nam. Tiến sỹ Đức cho biết nhóm của ông đang phát triển một chatbot thay thế con người làm một số công việc như trả lời điện thoại, email, đặt lịch làm việc. Chatbot này được sử dụng cho các dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, nhóm của tiến sỹ Đức đang có ý định xây dựng “hiện thân ảo” của những người đã mất. “Hiện thân ảo” sẽ hiện diện hàng ngày, trò chuyện với người thân để họ nguôi ngoai nỗi đau mất mát. Để nhân vật ảo này giống người thực, các nhà lập trình sẽ phải thu thập một khối lượng lớn dữ liệu của họ trên mạng xã hội, thư điện tử hoặc các hình ảnh do người thân cung cấp.
Công ty Alt Nhật Bản, công ty mẹ của Alt Việt Nam cũng đang có ý định xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI lớn nhất châu Á đặt tại Hà Nội. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam phát triển ngành khoa học tiên tiến, đón đầu xu thế chuyển mình của nền khoa học công nghệ thế giới.
Tạm kết
Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc CMCN 4.0. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Để tận dụng được những lợi thế đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ mới, chúng ta cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của cuộc cách mạng công nghệ đó, từ đó tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.
Cũng tại buổi họp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Trong cuộc CMCN 4.0, cơ hội đem đến cho chúng ta rất lớn, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ”.
Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, ngành cần tăng cường nhận thức về CMCN 4.0. "Toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0; tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, chỉ khi có nhận thức đúng đắn về bản chất của CMCN 4.0, thì mới có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp. “Cần phải nói cho mọi người biết rằng CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các viện nghiên cứu, trước hết là hai Viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả: Đăng Khoa
Theo Viettimes.vn