Theo Bloomberg, số vốn ra khỏi Trung Quốc năm 2015 là khoảng 1.000 tỷ USD, lớn gấp 7 lần so với con số 134,3 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thu hút được phần nào trong số vốn ra khỏi Trung Quốc thời gian qua.
Chuyên gia kinh tế "bắt mạch"... Donald Trump
- Cập nhật : 21/12/2016
(Kinh te)
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với những quyết sách về đối ngoại, thương mại quốc tế khá trái ngược với những người tiền nhiệm. Chính sách "bỏ lơ" khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bác bỏ TPP... ít nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải "vắt óc" để "bắt mạch".
Chiến lược phải "chịu" được biến động
Tại hội thảo "Tương tác thương mại Việt - Mỹ sau năm 2016" diễn ra hôm qua (20/12) do Hội hữu nghị Việt - Mỹ TPHCM tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích để "giải mã" Donald Trump cũng như định hình hướng phát triển kinh tế nước nhà trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động.
TS Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) lạc quan khi cho rằng, những công ty công nghệ Mỹ như Intel vẫn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam, bất luận có TPP hay không. "Sau tái cơ cấu của tập đoàn, Intel tại khu công nghệ cao TPHCM vẫn đang gia tăng các chủng loại cũng như sản lượng sản xuất tại khu công nghệ cao. Riêng năm 2016, giá trị xuất khẩu của Intel tăng vượt bậc đạt đến mức 4 tỷ USD", ông Quốc nói.
Là người đã làm việc trong ngành dệt may suốt 40 năm, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam lại nói rằng, ông đã trải qua nhiều vui buồn cùng với sự phát triển, thăng trầm của doanh nghiệp, của ngành, đặc biệt với xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ.
Ông Ân cho rằng, Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump có quan điểm khá ngược lại với những người tiền nhiệm của mình về phân công lao động và hợp tác quốc tế trong điều hành kinh tế quốc gia. Trong suốt thời gian tranh cử và ngay cả khi vừa đắc cử, ông Trump đã tỏ ý chống lại TPP một cách mạnh mẽ dù người tiền nhiệm, Obama đã tốn 10 năm xây dựng và thuyết phục các bên đối tác tham gia.
Chưa nói đến vai trò thủ lĩnh chính trị của Mỹ trên thế giới, chỉ riêng về khía cạnh kinh doanh, thì đã có đông đảo các nhà kinh tế cũng như nhà kinh doanh Mỹ không tán đồng quan điểm kinh tế của Trump khi từ chối TPP và xem nhẹ khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Ân cho rằng, vẫn còn sớm để có thể nhận định rõ ràng về chính sách ngoại thương của Mỹ trong thời gian tới. "Tôi vẫn có niềm tin rằng Mỹ không dễ dàng đánh mất vai trò đầu tàu về nhiều mặt của mình đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chúng ta nên nhớ, tân Tổng thống Donald Trump là một nhà kinh doanh lão luyện và là nhà thương thuyết giỏi. Những gì ông ta vừa tuyên bố có thể là để bắt đầu cho những thương thuyết mới", ông Ân nói.
Mặc dù có góc nhìn khác về Trump nhưng ông Ân cũng thận trọng khi cho rằng, ngành dệt may Việt Nam cũng cần rà soát lại chiến lược phát triển của mình trên cơ sở phù hợp với những biến động của thị trường trong thời gian tới.
Nhìn thẳng vào tính thực tế của người Mỹ
Là "người trong cuộc" qua từng bước ngoạt của quan hệ giao thương Việt - Mỹ, TS Huỳnh Thế Du đã dẫn lại lời của Joseph Nye - cha đẻ của lý thuyết quyền lực mềm để nói về Trump: "Mọi chuyện rất khó đoán định vì Trump là người không thể đoán trong chiến dịch tranh cử và giờ đây, khi đang trong giai đoạn lập nội các cũng thế, thì chúng ta khó mà kỳ vọng có thể đoán định ông ấy sẽ làm gì khi là Tổng thống".
TS Du cho rằng, đứng ở góc nhìn của một nước như Việt Nam, chúng ta nên nhìn vào tính thực tế của người Mỹ, nhất là trong giai đoạn của chính quyền Trump để có những đối sách phù hợp. "Có thể tính cách của Trump rất khó đoán định nhưng có một điều dường như sẽ không thay đổi là các chính sách bên ngoài của Mỹ chỉ phục vụ duy nhất lợi ích của nước Mỹ và đối với từng trường hợp cụ thể, nó gắn chặt với lợi ích của những người liên quan dựa trên tính thực tế của người Mỹ", TS Du nói.
Gợi ý hướng tiếp cận cho Việt Nam, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi của mình và cần xác định rõ lợi ích của Mỹ trong từng bối cảnh cụ thể là gì. "Không có tình hữu nghị hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là trên hết trong quan hệ đối ngoại mà thôi", TS Du nhấn mạnh.
Đối với những vấn đề trước mắt, TS Huỳnh Thế Du cho rằng nhiều khả năng TPP bị trì hoãn hay chuyển sang những dạng khác lá khá cao. Điều này có thể làm chậm lại tiến trình hội nhập cũng như cải cách như dự kiến nếu có TPP của Việt Nam. Do đó, nước ta cần phải đánh giá một cách cụ thể những tác động đến môi trường kinh doanh trong nước khi không có TPP chứ không nói đơn giản không có TPP Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
"Không phải ngẫu nhiên mà trong lần tranh luận với Hilary Clinton, Donald Trump có nhắc tới Việt Nam với hàm ý gây ra những trục trặc cho Mỹ trong quan hệ thương mại quốc tế", TS Du nói.
Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, việc một số doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng Việt Nam như một trung gian để bán hàng qua Mỹ cũng như các nước khác dấy lên quan ngại trong thời gian gần đây là điều đáng quan tâm.
"Nếu có thể tận dụng thì đây là cơ hội tốt cho Việt Nam khi những chính sách cứng rắn trong quan hệ thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc như kiện cáo hoặc trả đũa có khả năng được thực hiện. Trái lại, nếu không khéo, Việt Nam bị xem là nghi phạm hay tòng phạm thì hình ảnh cũng như vị thế thực chất của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ nói riêng, với các nước khác nói chung sẽ rất khó khăn cho Việt Nam", TS Huỳnh Thế Du cảnh báo.