tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trồng lúa ngày càng lỗ: Vì đâu?

  • Cập nhật : 08/08/2018

Nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa mà những ngành nông nghiệp khác không có chưa thực sự hiệu quả khiến giá thành sản xuất cao.

Hỗ trợ chưa hiệu quả

Theo ước tính của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa kế hoạch của vụ hè thu 2018 bình quân toàn vùng ĐBSCL khoảng từ 3.261 - 4.985 đồng/kg.

Dù giá thu mua lúa vụ hè thu năm nay có tăng hơn những vụ trước nhưng kèm với đó, giá thành sản xuất liên tục tăng nên lợi nhuận của nông dân cũng không còn nhiều.

Thậm chí, số liệu của Bộ Tài chính cho biết, nhiều tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao hơn 4.000 đồng/kg như Bến Tre 4.985 đồng/kg; Bạc Liêu 4.787 đồng/kg; An Giang 4.782 đồng/kg; Tiền Giang 4.503 đồng/kg; Đồng Tháp 4.4607 đồng/kg; Trà Vinh 4.388 đồng/kg.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, cần phải xác định rõ liệu Bộ Tài chính có tính chi phí cơ hội, tức lao động gia đình của nông dân hay không vào giá thành sản xuất hay không. Nếu như không tính chi phí này thì giá thành sản xuất lúa không cao như vậy.

Với kinh nghiệm ông biết, nếu áp dụng quy trình đúng thì giá thành sản xuất lúa thường trên dưới 3.000 đồng/kg.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Dương Văn Chín chỉ ra một số nguyên nhân khiến giá thành sản xuất của người nông dân còn cao khiến lợi nhuận thu được từ cây lúa không đáng kể.

Cụ thể, trước nay, Việt Nam vẫn có nhiều chính sách hỗ trợ đầu vào cho nông dân trồng lúa, như miễn thuế đất, miễn giảm thủy lợi phí, hỗ trợ người trồng lúa nước 500.000 đồng/ha/năm... Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Chín, chúng chưa thực sự hiệu quả.

Ông dẫn ví dụ, đối với chính sách hỗ trợ người trồng lúa nước 500.000 đồng/ha/năm được áp dụng trước đây nhằm giữ đất lúa, có nông dân không buồn đi làm thủ tục để nhận số tiền này vì cho rằng "không đáng". Ngay cả khi mỗi năm Nhà nước tốn hàng ngàn tỷ đồng như vậy thì đất lúa cũng không giữ được.

Nhiều nông dân làm thủ tục nhận được 500.000 ngàn đồng nhưng bởi trồng lúa thu nhập kém quá nên họ lên liếp trồng cây ăn trái. Như vậy, mục tiêu ban đầu đặt ra của chính sách hỗ trợ này không đạt yêu cầu.

gia thanh san xuat tang khien thu nhap cua nguoi nong dan khong duoc la bao.

Giá thành sản xuất tăng khiến thu nhập của người nông dân không được là bao.

Bên cạnh đó, hai yếu tố quan trọng là phân bón và thuốc trừ sâu, có chí phí chiếm tỷ trọng cao nhất trong đầu vào thì Nhà nước lại không hỗ trợ cho nông dân.

Phân bón và thuốc trừ sâu đều nằm trong tay các công ty, mà hiện nay giá phân bón lại đang có xu hướng tăng, nông dân sử dụng ngày càng nhiều trong khi Nhà nước lại không có giải pháp can thiệp về giá.

Chưa kể chất lượng phân bón Việt Nam cũng chưa quản lý được, phân bón giả, chất lượng kém góp phần làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân.

"Trên thế giới, nhiều nước hỗ trợ nông dân một phần phân bón nhưng thực ra đó không phải là cách căn bản và Tổ chức Thương mại thế giới phê phán chính sách này nhiều.

Chẳng hạn, Ấn Độ hỗ trợ cho nông dân một phần phân bón dù nhiều nước cho rằng làm vậy là không theo kinh tế thị trường. Cái khó của Ấn Độ là nếu không hỗ trợ một phần phân bón cho nông dân thì họ sẽ không sử dụng phân bón, mà như vậy năng suất sẽ rất thấp.

Việt Nam để thị trường tự do nhưng cái dở là nạn phân bón giả tràn lan. Chính vì thế, Nhà nước có thể hỗ trợ người nông dân một cách thiết thực nhất, đó là làm sao dẹp được hết phân bón giả trên thị trường. 

Người nông dân phải mua phân bón giả với giá cao như giá phân bón thật, nhưng khi rải xuống ruộng thì không có tác dụng, rất lãng phí. Nếu Nhà nước dẹp được phân bón giả, để cho những công ty lớn sản xuất phân bón thật được kinh doanh thì đã giúp được nông dân rất nhiều", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành nhận xét.

Một vấn đề khác được PGS.TS Dương Văn Chín chỉ ra, đó là mục tiêu của chính sách hỗ trợ sản xuất lúa để đem lại thu nhập cho người nông dân chưa đạt yêu cầu do còn phụ thuộc đầu ra. Đầu ra không giải quyết được nên nông dân không có thu nhập.

Ông phân tích, đầu ra thị trường phải được khai thông. Trước mắt, Việt Nam có thị trường nội địa rất lớn với gần 100 triệu người dân ăn gạo hàng ngày. Chính vì thế, loại gạo sản xuất chính quy, có người chịu trách nhiệm phải thống lĩnh thị trường. 

Như trước nay, phần lớn gạo trên thị trường là gạo trôi nổi, tiệm tạp hóa mua lúa về chà, đóng bao và có thể trộn với bất cứ loại gạo kém chất lượng nào mà họ muốn, rồi bán giao tận nhà cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng ăn thấy được thì tiếp tục mua, người bán lấy lời ở đó.

Còn bản chất hạt gạo đó là giống gì thì người bán không biết hoặc không muốn trả lời; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo đó bao nhiêu thì người tiêu dùng hoàn toàn không biết.

"Bây giờ cần chấn chỉnh thị trường lúa gạo trong nước. Gạo bán ở chợ phải là gạo có công ty buôn bán chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, phải khuyến khích xuất khẩu. Người dân trên thế giới ngày càng giàu, ăn ngày càng chọn lựa, đòi hỏi chất lượng cao và an toàn. Vì thế, Việt Nam phải sản xuất loại gạo thơm, ngon theo thị hiếu của khách hàng chứ không phải theo thị hiếu của mình.

Phải tìm hiểu thị hiếu từng ngóc ngách, người dân nước A ăn thế nào, nước B ăn thế nào... rồi sản xuất ra hạt gạo an toàn, thỏa mãn từng thị trường để xuất khẩu. Xuất càng nhiều, tạo đầu ra ổn định là giúp nông dân sản xuất bền vững và có thu nhập", vị chuyên gia nói.

Tạo cú đấm thép

Theo đánh giá của PGS.TS Dương Văn Chín, bởi chính sách hỗ trợ người trồng lúa còn manh mún, dàn trải khiến lợi nhuận của người nông dân không bật lên được. Thay vì thiếu tập trung, chính sách hỗ trợ phải là những cú đấm thép, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.

Làm điều này, theo ông, không khó. Ví dụ, trước năm 2003, Việt Nam và Ấn Độ đều là số 0 về máy san phẳng laze. Nhưng từ năm 2003, Ấn Độ có chính sách hỗ trợ theo hướng: cứ 1.000 người đăng ký mua máy san phẳng ruộng thì được cho không 50% tiền mua máy. Vậy là có hàng ngàn người đăng ký mua, khi người mua máy san phẳng ruộng làm hiệu quả, người khác tiếp tục tự bỏ tiền ra mua.

Cho đến nay, Ấn Độ đã có mấy chục ngàn máy san phẳng laze, trong khi Việt Nam số máy này đếm trên đầu ngón tay.

PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, đối với những máy móc có tính chất chiến lược trong sản xuất lúa, Nhà nước cần mạnh tay hỗ trợ trong giai đoạn đầu để sau đó nó tự lan tỏa ra.

Sau cùng, ông khẳng định, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho nông dân chính là đào tạo người nông dân thành nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, có kỹ năng để tự làm chủ đồng ruộng của mình.

Về phía người nông dân, theo vị chuyên gia, có nhiều cách để tự giảm chi phí sản xuất.

"Năng suất lúa trung bình của Việt Nam hiện nay là 6 tấn/ha, rất cao so với các nước khác. Muốn tăng lợi nhuận, người nông dân không nên chạy theo tăng năng suất mà phải giảm chi phí sản xuất.

Phải tính chuyện trồng lúa chất lượng cao, giống lúa cho hạt gạo bán được giá cao, kết hợp với giảm chi phí hạt giống, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ tăng được lợi nhuận.

Hiện nông dân ĐBSCL sạ là phổ biến, họ sạ tới 200kg/ha. Bây giờ có thể giảm từ 80-100kg/ha trong khi năng suất nó cũng ngang với 200kg. Như vậy, người nông dân tiết kiệm được 100 kg lúa giống, mà 100 kg lúa giống nếu giờ mua giống lúa cấp xác nhận thì cũng 12-13.000 đồng/kg, nông dân tiết kiệm được 1,2 triệu đồng/ha.

Đối với phân bón, hiện nay đạm, lân, kali đều bón dư thừa. Tiết kiệm phân bón, người nông dân có thể giảm được chi phí rất nhiều, đồng thời cây lúa không quá dư thừa đạm. Khi lúa dư thừa đạm, rất dễ bị dịch hại tấn công.

Theo số liệu đã được tính toán, nếu bà con giảm xuống chừng 40% lượng đạm đang dùng thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Khi đó, cây lúa ít mẫn cảm đối với sâu bệnh, người nông dân tiết kiệm được thuốc trừ sâu", PGS.TS Dương Văn Chín gợi ý.
 

Thành Luân
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục