Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU đang trên đà phục hồi, điều này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc xuất khẩu vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Khu vực kinh tế tư nhân cần không gian để lớn
- Cập nhật : 26/04/2017
Hôm nay (26/4), Diễn đàn Kinh tế tư nhân với chủ đề “Kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội” do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội. Cho dù kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về con đường phía trước của khu vực kinh tế này.
Động lực của nền kinh tế
Khi bàn về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam sau 30 năm đổi mới, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, không cần thêm bất cứ từ gì để nhấn mạnh vai trò của khu vực này. “Chỉ cần gọi là khu vực kinh tế tư nhân đã đủ tầm quan trọng rồi, vì đó là nền tảng của kinh tế thị trường. Cả thế giới đều nói như vậy”, ông Thiên thẳng thắn.
Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cũng đang như vậy, nhất là trong một thập niên trở lại đây. Số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2006-2015 cho thấy, khu vực này đang đóng góp khoảng 40% GDP, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; khoảng 64% tổng lượng hàng hóa.
Khu vực kinh tế tư nhân đã xuất hiện những tên tuổi lớn như Vingroup, Novaland (xây dựng, bất động sản), Vinamilk, TH Truemilk (sản xuất sữa, sản phẩm từ sữa), Hòa Phát (sắt thép)… Trong ảnh: Vận chuyển sản phẩm thép tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (Hải Dương). Ảnh: Chí Cường
Nếu phân tích 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam (VNR500), sẽ càng thấy rõ vai trò là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp tư nhân, khi khu vực này có tốc độ tăng trưởng vượt khá xa so doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong giai đoạn 2012-2015, xét theo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu, khối doanh nghiệp tư nhân đạt mức tăng trung bình 21,35%/năm, cao vượt trội so với mức 8,51% của doanh nghiệp nhà nước và 10,69% của doanh nghiệp FDI. Với đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam chiếm gần 40% số lượng lao động, 24% tổng doanh thu, 35% tổng tài sản và 22% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Song điều mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) muốn nhắc tới hơn cả khi nói về khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là sự có mặt của các tên tuổi tư nhân trong các ngành then chốt của nền kinh tế, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực. Đó là Vingroup, Novaland, Conteccons trong xây dựng, bất động sản; Vinamilk, TH True Milk trong sản xuất sữa và sản phẩm từ sữa; Hòa Phát trong lĩnh vực sắt thép…
“Sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân lớn đã tạo đối trọng với khu vực nhà nước hay FDI, giúp gia tăng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề. Ví như sự có mặt của Vietjet Air đã làm thị trường hàng không Việt Nam năng động hơn…”, ông Cung phân tích.
Trong bối cảnh khu vực kinh tế nhà nước đang tái cấu trúc, cổ phần hóa, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là các doanh nghiệp tư nhân lớn đang có vai trò quan trọng hơn trong duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới. Các chuyên gia kinh tế đang nói tới cấu trúc khu vực kinh tế tư nhân, mà ở đó, doanh nghiệp lớn ở tầng thứ nhất, tầng thứ hai là các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Song các số liệu thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp lớn trong khu vực kinh tế tư nhân mới chiếm khoảng 1,2%.
Khó lớn hay không muốn lớn?
Câu hỏi này được PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt ra với các nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong Hội thảo khoa học về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới vừa được tổ chức. Nhưng ông đã có câu trả lời. “Họ đã không muốn lớn!”, ông nói khi kể lại câu chuyện giữa ông và một hộ gia đình đang làm gia công cho một doanh nghiệp FDI.
Hộ gia đình này nuôi lợn theo hợp đồng với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp cung cấp vốn, giống, các yêu cầu vệ sinh dịch tễ và đầu ra. Hộ gia đình làm thủ tục xin phép xây dựng chuồng trại và chăn nuôi lợn. Năm vừa rồi, doanh thu của hộ này là 1 tỷ đồng, trừ chi phí, họ lãi 500 triệu đồng. “Doanh nghiệp FDI đã đề nghị chuyển thành doanh nghiệp để có thể hợp tác nhiều hơn, nhưng họ đã từ chối. Họ nói, làm doanh nghiệp chi phí lớn quá”, ông Sơn nói.
Vấn đề là không chỉ một vài hộ kinh doanh nghĩ như vậy và họ đã tính đúng. Với quy định hiện hành, hộ kinh doanh đang có “lợi thế hơn” doanh nghiệp về chi phí kinh doanh. Cụ thể, hộ kinh doanh được giảm 50% lệ phí thành lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản hơn. Hộ kinh doanh được được linh hoạt lựa chọn phương pháp tính thuế cho phù hợp với hoạt động của mình… Tất nhiên, so với việc thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị hạn chế khá nhiều, như quyền kinh doanh, chỉ kinh doanh tại một địa điểm, hay hạn chế huy động vốn, số lượng lao động…
Nhưng sâu xa hơn, theo ông Sơn, việc hộ kinh doanh và cả doanh nghiệp ngần ngại chính thức hóa hoạt động để lớn lên là vì doanh nghiệp càng lớn thì áp lực thanh tra, kiểm tra càng nhiều, rủi ro càng lớn. Kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 thậm chí đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng này, khi phát hiện rằng, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tiếp đón 1 - 2 đoàn thanh tra, kiểm tra trong 1 năm, thì doanh nghiệp quy mô lớn phải đón 3 cuộc…
“Tôi có biết một doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ vừa phải thoái lui vì không chịu nổi có tuần phải tiếp tới 3 đoàn kiểm tra, đoàn nào cũng yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp tiếp…”, ông Sơn bức xúc.
Hệ quả là, bức tranh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đậm đặc hộ kinh doanh phi nông nghiệp, với 4,6 triệu hộ vào năm 2015, tổng tài sản lên tới 655.000 tỷ đồng. Nền kinh tế Việt Nam cũng có thể coi là của các hộ kinh doanh khi họ đang đóng góp tới 31,33% trong tỷ lệ 39,21% GDP khu vực kinh tế tư nhân đóng góp.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng trong tình trạng… li ti. Theo Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tuần trước, 74,6% doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ; 22,7% quy mô nhỏ; chỉ có 1,47% doanh nghiệp vừa và 1,2% doanh nghiệp quy mô lớn.
Bao giờ có lực lượng doanh nghiệp tư nhân?
Với TS. Trần Đình Thiên, gần 500.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động không đủ để làm nên một lực lượng doanh nghiệp. “Nhận diện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, rất tiếc là chúng ta chưa có lực lượng doanh nghiệp”, ông Thiên nói và cho biết lý do là, ông không nhìn thấy tính liên kết, thậm chí là nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp.
Trong cách nhìn nhận của vị chuyên gia này, ngay cả tư duy không muốn lớn lên của nhiều hộ kinh doanh hay doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thực ra là hệ quả của môi trường kinh doanh xin - cho kéo dài, hệ thống khuyến khích không thúc đẩy liên kết.
“Khi môi trường kinh doanh không thúc đẩy cạnh tranh, thì không thể tạo ra liên kết sức mạnh. Chúng ta không có chuỗi, có mạng lưới liên kết doanh nghiệp thì không thể tạo nên lực lượng doanh nghiệp. Hiện tại, nền kinh tế cũng đang thiếu cả trụ cột là các doanh nghiệp tư nhân lớn”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.
Hơn chục năm trước, ông và các nhà nghiên cứu kinh tế đã nói nhiều về liên kết kém trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Nhưng đến giờ, ngay trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.
Kế hoạch phát triển các chuỗi công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề dựa trên mô hình cụm liên kết không đạt nhiều kết quả. Ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn có tên trong kế hoạch phát triển… Đặc biệt, vốn đầu tư xã hội có xu hướng thiên lệch vào những ngành có tính rủi ro cao, tiềm ẩn khủng hoảng chu kỳ như bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, mấu chốt là do nguồn lực vẫn đang được phân bổ theo cơ chế xin - cho, thiếu cạnh tranh. Hiện chính sách về cạnh tranh đang tạo ra nhiều rào cản kinh doanh và hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.
“So với Danh mục kiểm tra về cạnh tranh của OECD, các quy định về kinh doanh của Việt Nam hầu hết đều có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh, như ấn định giá cho nhiều hàng hóa quan trọng (xăng dầu, than, đất đai…); đặt ra quy định khiến một số doanh nghiệp gặp bất lợi hơn (điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe là phải dùng phần mềm của Tổng cục Đường bộ); hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng (chuyển mạng di động không được giữ số)...”, ông Cung làm rõ.
Đặc biệt, ông Cung cho rằng, doanh nghiệp tư nhân sẽ còn khó hội tụ thành lực lượng khi những rào cản kinh doanh còn quá lớn. “Nếu không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất thì không có cơ hội để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp tư nhân lớn thể hiện sức mạnh”, ông Cung nói.
Rõ ràng, bài toán đang được đặt ra lúc này với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để tạo không gian để khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, thực chất hơn.
Khánh An
Theo baodautu.vn