Cùng giống chanh, nhưng do có vị ngọt nên chanh rừng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rất được người miền xuôi ưa chuộng, mua về ngâm chữa trị ho hoặc làm gia vị.
Nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm
- Cập nhật : 29/06/2016
Ngành nông nghiệp ngày càng khó khăn có xu hướng suy giảm do hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngày 28/6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016.Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng tăng 5,52%. Tổng cục Thống kê nhận định dù GDP 6 tháng đầu năm 2016 cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, các khu vực nông, lâm thủy sản giảm điểm, ngành công nghiệp tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.
Cụ thể, ngành nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%.
Thêm vào đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long... gây thiệt hại nặng. Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.
Dù lâm nghiệp tăng 5,75%, thuỷ sản tăng 1,25% nhưng do nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên không thể cứu vãn sự suy thoái của ngành. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.
Khu vực công nghiệp tăng trưởng 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là do ngành khai khoáng giảm 2,2% (dầu thô suy giảm trên 6%). Một số ngành khác có tốc độ tăng trưởng tốt như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%; bất động sản tăng 3,77% - cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,8%.
Ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,35%, trong đó một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá như bán buôn bán lẻ, tài chính ngân hàng, truyền thông,…
Về cơ cấu kinh tế, nông - lâm - thuỷ sản chiếm tỷ trọng 15,74%, khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 32,94%, khu vực dịch vụ chiếm 41%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Nguyễn Bích Lâm cho biết tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
"Đặc biệt, tình hình khí hậu diễn biến bất thường như rét buốt ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. Đây là lý do khiến cho khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm so với cùng kỳ năm trước", ông Lâm nói.
Đặc biệt, tháng 6 Việt Nam quay trở lại nhập siêu khi xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD, còn nhập khẩu là 14,9 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,5 tỷ USD. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 82,2 tỷ USD và nhập khẩu tăng 10% so với cùng kỳ, trong khi đó nhập siêu giảm 0,5% và đạt 80,7 tỷ USD.
Về ngành bán lẻ, nửa đầu năm 2016 tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt trên 6,2%. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trên 6 tháng dao động từ 5,4 đến 7,2% một năm.
Vốn đầu tư toàn xã hội ước tính 618.200 tỷ đồng, tăng 11,7%. Khu vực Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ chốt với trên 37% nhưng lại tăng trưởng thấp nhất so với khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Bạch Dương
Theo Vnexpress