Sa nhân tím là loại cây được Mạng lưới đất rừng Hà Tĩnh lựa chọn trồng thử nghiệm dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn). Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, sa nhân tím hứa hẹn mang lại nguồn lợi kép cho người dân nơi đây.
Nông nghiệp đứng ngoài cuộc đua thu hút FDI?
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song ngành nông nghiệp ngày càng khó thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tỷ trọng vốn FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp luôn thấp.
Nghịch lý
Điều đáng chú ý là trong khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp-xây dựng, dịch vụ du lịch, công nghệ cao... thì nông nghiệp lại là lĩnh vực đứng ngoài cuộc.
Xu hướng dòng vốn FDI bỏ qua nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ qua các con số thống kê. Cụ thể, trong 3 năm gần đây nguồn vốn FDI đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 0,5% trong tổng số các nguồn vốn FDI được thu hút vào nước ta. Cụ thể, năm 2011 vốn FDI cho lĩnh vực nông nghiệp đạt 130,7 triệu USD, thì đến năm 2013 nguồn vốn này chỉ còn 86,73 triệu USD. Đến năm 2014, chỉ còn 3,656 tỷ USD cho tổng số 516 dự án FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực. Không chỉ có tỷ lệ thấp về tổng vốn đầu tư, các dự án FDI nông nghiệp còn nhỏ về quy mô khi tổng giá trị mức đầu tư cho một dự án FDI nông nghiệp chưa đạt một nửa so với tổng mức đầu tư bình quân cho một dự án FDI thông thường. Nếu tính quy mô vốn đầu tư bình quân cho một dự án FDI vào khoảng trên 14 triệu USD, thì đầu tư bình quân cho một dự án FDI của ngành nông nghiệp chỉ đạt trên 6 triệu USD cho một dự án.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài tính đến tháng 8/2014 có 512 dự án có vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 3,03% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư đăng ký (đứng thứ 10 trong số 18 ngành kinh tế có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam). Tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm. Đáng chú ý, cách đây 15 năm, vốn FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước thì trong 3 năm gần đây, con số này chỉ đạt chưa tới 0,5%.
Gần 1 năm sau, 7 tháng đầu năm 2015, thu hút FDI của Việt Nam đạt 1.068 dự án, nhưng chỉ có 7 dự án của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Mặt khác, nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp còn chiếm tới 8% tổng vốn FDI cả nước, thì đến nay, theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, vốn FDI vào ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn khoảng 1,46% tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là về đất đai. Bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp FDI không được thuê đất bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, sản xuất.
Song nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang có nhu cầu sử dụng diện tích đất nông nghiệp lớn để thực hiện khảo nghiệm. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện trái luật bằng cách thuê đất canh tác ở lân cận khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nếu để làm đúng quy định của luật, thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng với nông dân, và chịu khó đứng trước rủi ro họ “bể kèo”, phá hợp đồng. Mặt khác, quá trình khảo nghiệm về giống cây trồng, sản phẩm phục vụ nông nghiệp thường đòi hỏi thực hiện nghiêm theo quy trình, nên doanh nghiệp khó mà yên tâm nếu phải phụ thuộc vào ý thức của nông dân.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp FDI vẫn chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là họ vẫn chưa được đối xử công bằng như các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ đối với ngành lúa gạo, doanh nghiệp FDI không thể mua trực tiếp từ nông dân mà phải mua qua các trung gian là thương lái hay công ty lương thực. Ngoài ra, họ vẫn chưa được tham gia vào các hiệp hội ngành hàng để góp tiếng nói trong các vấn đề chính sách như các doanh nghiệp trong nước.
Thêm nữa, các chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực… chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân mà không áp dụng cho các dự án FDI. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới doanh nghiệp FDI về đất đai, thuế… cũng chưa rõ ràng, mà còn lẩn khuất trong chính sách chung về nông nghiệp nông thôn. Những hạn chế đó chính là rào cản, khiến quá trình thu hút FDI vào nông nghiệp ngày càng bí lối.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, FDI vào nông nghiệp quá thấp có nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chính Việt Nam. Như hạ tầng tại vùng nông nghiệp còn kém, lao động có tay nghề được đào tạo bài bản có rất ít ... Bên cạnh đó, liên quan tới FDI vào lĩnh vực này còn "dính" tới nhiều cơ quan nhà nước về khâu phối hợp về mặt chính sách đầu tư cũng có nhiều hạn chế (Hà Thanh, 2015).
Ngoài ra, tình trạng sản xuất quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún, công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp thiếu bài bản, thiếu chiến lược rõ ràng… cũng là những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Có một thực tế là những năm gần đây, một số nhà đầu tư quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam lại có xu hướng hoạt động thương mại như xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm nông nghiệp chứ không đầu tư vào hoạt động sản xuất.
Gỡ bằng cách nào?
Được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng nghị định về các chính sách khuyến khích FDI vào nông nghiệp, nông thôn dự kiến sẽ hoàn tất và lấy ý kiến các đơn vị liên quan vào quí III năm 2015. Theo đó, dự thảo Nghị định được soạn thỏa với nguyên tắc chung nhất là ưu đãi không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tiếp cận nguyên liệu, tài nguyên...
Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách bảo lãnh thực hiện các dự án lớn; thực hiện chính sách thuê đất, chính sách tích tụ đất, chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác với từng hộ nông dân, cung cấp đất sạch cho dự án liên quan tới nông nghiệp, nông thôn khi có yêu cầu; khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung để thực hiện các dự án.
Nghị định cũng sẽ xem xét ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong vòng 15 năm đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn; áp dụng công nghệ cao, khu cánh đồng mẫu lớn; ưu đãi 20% thuế TNDN trong vòng 10 năm đối với doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu và sản xuất tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho các dự án đặc biệt ưu đãi...
Các chuyên gia cho rằng, để dòng vốn FDI “chảy” vào nông nghiệp cần có nhiều hơn các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào ngành này. Việc hỗ trợ cần hướng đến các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, tạo vùng nguyên liệu lớn cho ngành nông nghiệp như cánh đồng mẫu lớn; đặc biệt, phải chú trọng đến việc áp dụng hợp tác công - tư trong nông nghiệp, nông thôn, kêu gọi khối tư nhân tham gia đầu tư vốn cùng với Chính phủ trong các dự án
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động của mình, tích cực tham gia chương trình xúc tiến đầu tư và quảng bá thương hiệu để người ta thấy nông nghiệp Việt Nam là môi trường thuận và có lợi nhuận.