Theo báo cáo trong phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014” của Đoàn Giám sát ,sau một thời gian dài sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh, công tác quản lý đất đai của một số công ty nông lâm nghiệp còn nhiều bất cập.
Tín hiệu mới cho sản xuất chè an toàn
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới, song chất lượng chè xuất khẩu vẫn thấp. Vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất chè theo hướng an toàn là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao thương hiệu và giá trị cho ngành chè hiện nay.
Ngành chè với nhiều nỗi lo
Theo báo cáo tại Hội nghị phát triển sản xuất chè an toàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức ngày 19/8, hiện nay cả nước có khoảng 131 ngàn ha đất trồng chè (tăng 4,4 nghìn ha so với năm 2011). Trong đó, diện tích chè đang cho thu hoạch là 115 nghìn ha. 04 năm qua (2011-2014), cả nước đã trồng mới và trồng thay thế được gần 22 nghìn ha, nhiều nhất là các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Hà Giang và Lào Cai. Năng suất chè bình quân đạt 83,4 tạ/ha; tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 962 nghìn tấn, tăng 8,6% so với năm 2011.
Đến tháng 7/2015, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 11 nghìn tấn với giá trị đạt 21 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 65 nghìn tấn với giá trị đạt 111 triệu USD.
Với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trên, Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Srilanka.
Cũng tại hội nghị trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, mặc dù Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu chè, nhưng chỉ đạt 3,5-4 điểm trên thang điểm 10 của thế giới về chất lượng chè xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm chè vẫn chưa được cải thiện.
Việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng chè đã trở thành vấn nạn của ngành công nghiệp chè Việt Nam. Theo Kết quả điều tra năm 2012 của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích sản xuất chè theo hướng an toàn chỉ chiếm 3% tổng diện tích chè toàn quốc. Các hộ nông dân sản xuất chè sử dụng tới 81 loại thuốc thuộc 53 hoạt chất để phun trừ sâu bệnh trên chè. Trong đó, có 37 hoạt chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng (chiếm 69%). Thực tế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có 49% nông dân phun nồng độ cao hơn hướng dẫn; 64% phun hỗn hợp 2 loại thuốc và 14% phun hỗn hợp 3 loại thuốc. Gần 50% nông dân phun trên 7 lần/vụ, có nhiều hộ phun tới 4 lần/tháng...
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, các tổ chức chứng nhận VietGAP đã cấp giấy cho 197 cơ sở sản xuất chè với diện tích 9.300 ha. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất chè an toàn vẫn chưa gắn giữa chế biến với sản xuất nguyên liệu, nhiều cơ sở không có vùng nguyên liệu; giá cả thu mua không hợp lý nên không khuyến khích người sản xuất coi trọng chất lượng nguyên liệu. Cùng với đó, kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất chè an toàn chưa có nguồn kinh phí riêng để thực hiện.
Với việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ lại sử dụng thuốc trừ sâu nên Việt Nam đang là một trong những quốc gia vi phạm về độ an toàn thực phẩm, dẫn đến việc tiêu thụ chè gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng chè đen xuất khẩu 06 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Ngày 8/7/2015, ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, phía đối tác Đài Loan vừa trả lại 80 tấn chè cho các doanh nghiệp của Lâm Đồng vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm vượt quá ngưỡng cho phép. Cũng với nguyên nhân trên, hơn 2.000 tấn chè khác của các doanh nghiệp tại Lâm Đồng hiện đang tồn kho, không thể xuất đi Đài Loan được. Lượng chè bị trả lại và tồn kho tập trung chủ yếu tại 6 doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến chè tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. (Kim Ngân, 2015).
Bên cạnh đó, thương hiệu cũng là vấn đề đáng lo của ngành chè. Mặc dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng thương hiệu chè Việt Nam vẫn mờ nhạt, chưa được nhắc tới. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), người tiêu dùng các nước chưa nhận biết hay phân biệt được đâu là chè “made in Việt Nam” với các loại chè sản xuất tại các nước khác. Lý do chính là vì hiện nay, có tới 90% lượng chè của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô đóng bao 50 kg, chỉ 10% được xuất khẩu dưới dạng thành phẩm. Tuy nhiên, ngay cả khi xuất khẩu đạt kim ngạch cao thì giá chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng 50%-60% giá chè xuất khẩu của các nước trên thế giới...
Để phát triển bền vững
Trước thực trạng trên, tại Hội nghị phát triển sản xuất chè an toàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát, khẳng định: cây chè là cây trồng quan trọng, muốn thúc đẩy phát triển, cùng với những tồn tại lâu năm của ngành chè, vấn đề nổi lên là an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với chè vẫn còn lỏng lẻo, do đó, cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để phát triển chè bền vững, nhưng phải tập trung và nâng cao chất lượng. Cần tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Tất cả những hình thức tổ chức sản xuất đều phải vận hành kỹ thuật sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, VietGAP, GlobalGAP, UTZ, ISO... Bên cạnh đó, cần quản lý chất lượng đưa ra chế độ giám sát chặt chẽ, siết chặt, nghiêm khắc với những nơi buôn bán hàng hóa trôi nổi, không có chất lượng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, phải thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với ngành trồng chè; đồng thời cần chấn chỉnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp về an toàn vệ sinh thực phẩm, trọng tâm là thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, chăm sóc cây chè.
PGS, TS. Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng, các loại sâu bệnh trên chè không phải là khó phòng trừ. Người làm chè chỉ cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi nào thật cần thiết và phải sử dụng với nguyên tắc "4 đúng". Vì vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè không phải là vấn đề kỹ thuật mà là việc tổ chức lại sản xuất. Người làm chè là thành viên của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức thì mới có thể giám sát cộng đồng và đồng loạt thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm được.