Sản xuất, chế biến theo công nghệ Nhật Bản giúp nông sản Việt Nam dễ dàng chinh phục các thị trường khó tính.
Năng suất đất giảm mạnh báo hiệu tín hiệu xấu ngành nông nghiệp
- Cập nhật : 03/10/2017
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chứng kiến tốc độ tăng trưởng năng suất đất suy giảm. Điều này cho thấy tín hiệu xấu cho đóng góp của nền nông nghiệp với vai trò như một "bà đỡ" của nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách Cạnh tranh Quốc gia, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết trong thời gian vừa qua mặc dù đã có rất nhiều thành tựu đổi mới trong nông nghiệp tuy nhiên đóng góp của đất đai vào tăng trưởng nông nghiệp dường như đã tới hạn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân trên 1 ha đất của Việt Nam đang giảm dần và thấp hơn các nước trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân trên một hecta đất (theo giá cố định) giai đoạn 1986-1993 của Việt Nam gần cao nhất thế giới (3,8%/năm) chỉ thấp hơn Thái Lan (4,3%/năm) tương đương với Trung Quốc, cao hơn Indonesia (3,7%) và Ấn Độ (3,3%) và Bangladesh (2,6%).
Vị trí này vẫn được duy trì trong giai đoạn từ 1994-2007 nhưng đến giai đoạn 2008-2013, tốc độ tăng trưởng giá trị sản lượng trên một ha đất của Việt Nam chỉ còn 1,7%, thấp hơn so với Ấn Độ (3,6%), Trung Quốc (2,7%), Indonesia (2,7%) và Bangladesh (3,1%). Điều này cho thấy tín hiệu rất xấu đối với tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam.
Quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra rất chậm. Theo số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam, trong giai đoạn 1993-2014, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất mặt nước bình quân hộ nông nghiệp chỉ tăng nhẹ từ 5.408m2 lên 6.748m2, chủ yếu do tăng diện tích đất lâm nghiệp và đất mặt nước cho nuôi trồng thủy sản.
Trong khi đó, diện tích đất cây hàng năm bình quân một hộ giảm từ 4.121m2 xuống 3.334 m2; số mảnh đất bình quân mỗi hộ cũng chỉ giảm từ hơn 4 mảnh xuống gần 3 mảnh. Phân mảnh đất ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và năng suất do cản trở cơ giới hóa, lãng phí thời gian lao động và lãng phí đất bờ bao, đồng thời tăng chi phí trung gian, giảm năng lực chống chọi với rủi ro. Đất đai manh mún, đi kèm với thời hạn sử dụng đất ngắn, quy hoạch thiếu ổn định cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.
Kinh tế trang trại chậm phát triển mặc dù có tính kinh tế cao hơn rất nhiều so với các nông hộ. Số trang trại tăng chậm từ 20.067 trang trại năm 2011 lên 29.500 trang trại năm 2015. So với tổng số hộ nông nghiệp trên cả nước thì tỷ lệ trang trại còn rất thấp ở mức 0,3%. Trang trại tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (6.911 trang trại, chủ yếu sản xuất thủy sản và trái cây), Đông Nam Bộ (6.115 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi) và Đồng bằng Sông Hồng (5.775 trang trại, chủ yếu là chăn nuôi).
Số lượng trang trại hiện nay tăng chậm và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Khu vực Trung du miền núi phía Bắc là nơi có diện tích đất đai rộng nhưng số lượng trang trại ít, trong khi đó khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ lại tập trung nhiều trang trại thì quy mô diện tích lại thấp.
Ruộng đất phân tán, manh mún, khiến cho thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa không tương xứng với sức lao động người nông dân bỏ ra. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT thì ngay kể cả ở Đồng bằng sông Cửu Long nơi có điều kiện ưu đãi nhất về sản xuất lúa gạo thì hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, và cũng phải có ít nhất 3ha thì mới đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình ở nông thôn.
Trong khi đó, với diện tích đất lúa trung bình dưới 0,5ha/hộ tại khu vực miền Bắc và miền Trung thì nông dân rất khó có thể kiếm đủ thu nhập để sống từ nông nghiệp. Theo Điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê, nhóm nghèo nhất trong xã hội là nông dân và nhóm hộ càng nghèo thì có tỷ lệ thu nhập từ nông nghiệp càng cao. Năm 2014, nhóm nghèo nhất có tỷ lệ thu nhập từ nông nghiệp là 44,1% trong khi ở nhóm giàu nhất tỷ lệ này chỉ là 12,2%.
Thu nhập từ nông nghiệp thấp cùng với các khoản thu tính theo đầu ruộng là nguyên nhân chính cho việc nông dân không tha thiết với sản xuất nông nghiệp, thậm chí có nơi còn bỏ ruộng trong thời gian gần đây. Điều tra mức sống hộ gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng thu nhập từ nông lâm thủy sản trong tổng thu nhập của hộ nông dân ngày càng giảm, và chỉ ở mức 28,1% năm 2014.
Điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT năm 2015 tại Vĩnh Phúc và Thái Bình cho thấy trên thực tế nông dân chỉ dành 20-30% thời gian lao động cho nông nghiệp; thời gian còn lại dành cho các việc làm thêm ngoài nông nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, các khoản đóng góp tại địa phương diện tích ruộng cũng làm tăng sức ép đối với nông dân.
Tình trạng bỏ ruộng mặc dù còn thấp nhưng có xu hướng gia tăng từ năm 2012 trở lại đây khi thị trường khó khăn, giá bán sản phẩm thấp đi cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sản xuất. Tuy nhiên, việc bỏ ruộng chủ yếu đồng nghĩa với việc người dân tạm dừng canh tác, chứ không phải là trả lại ruộng cho địa phương. Nghĩa là nông dân không muốn chuyển nhượng đất cho người khác kể cả ruộng bỏ hoang.
Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn đầu tư đồng bộ, quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để có đất. Theo điều tra doanh nghiệp của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn năm 2015, các khó khăn về đất đai thường gặp đối với doanh nghiệp nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, thiếu đất xây dựng trụ sở, khu chế biến, giá thuê đất cao, … Có 50% số doanh nghiệp được điều tra cho rằng việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính yếu nhất để họ đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Có 67,7% doanh nghiệp nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Đức Quỳnh
Theo NDH.VN