Mặc dù nhiều lần sạt nghiệp bởi cây kiểng, nhưng ông Nguyễn Văn Thoại (57 tuổi, ngụ ấp 4, xã Long Trung, H.Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn quyết tâm đeo bám nghề và đến nay đã có một trang trại trồng kiểng trị giá tiền tỉ.
Bí quyết chọn giống trĩ đỏ "hái ra tiền" của tỷ phú “Giáp chim”
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Chim trĩ đỏ là loại mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong tất cả các loại gia cầm với hai nguồn tiêu thụ song song khá hiệu quả là cung cấp thương phẩm và con giống cho thị trường chim cảnh.
Theo anh Trần Nhữ Giáp - tỷ phú nuôi gà, chim quý hiếm ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội), việc nuôi thành công chim trĩ phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn giống.
Để có thể chọn giống trĩ đỏ tốt cần dựa vào đặc điểm cơ thể để phân biệt chim trống, mái. Ví như ở cùng lứa tuổi, chim trĩ trống thường có ngoại hình lớn hơn chim trĩ mái. Lúc còn nhỏ rất khó phân biệt mà chủ yếu dựa vào cảm quan nghề nghiệp và một số biểu hiện nhỏ về sự khác biệt trong tập tính sinh hoạt và ngoại hình chim. Có thể phân biệt bằng mắt thường qua việc so sánh kích thước cơ thể, chiều cao chân, hoặc lỗ huyệt.
Theo anh Giáp, chọn chim trống cần phải chú ý chọn con có ngoại hình to, cao, đuôi dài, lông mượt, trường chim, dáng khỏe mạnh, lanh lợi thì mới cho các đời con sau đạt chất lượng tốt nhất.
Việc nuôi chim trĩ đỏ ở thời kỳ còn nhỏ thường gặp một số khó khăn nhất định liên quan đến chế độ dinh dưỡng, điều kiện môi trường đặc biệt là khâu vận chuyển. Vì vậy những người mới nuôi hoặc chưa có kinh nghiệm nuôi trĩ đỏ nên hạn chế việc đầu tư mua con giống size nhỏ. Người mua nên chọn mua những cá thể chim ở thời kỳ 3 – 5 tháng tuổi hoặc chim hậu bị.
Khi bước vào thời kỳ 2 - 3 tháng tuổi, chim trống có biểu hiện chuyển dần màu lông từ nâu nhạt sang màu đỏ pha, lúc này trọng lượng và chiều dài cơ thể lớn hơn chim mái rõ rệt. Trên cổ chim trống hình thành tuyến lông màu đồng, phía dưới là màu xanh lá cây hoặc màu tím sáng. Kế tiếp xuất hiện 1 vòng lông cổ màu trắng (thường gọi là trĩ đỏ khoang cổ trắng), lông đuôi có màu đỏ và màu hạt dẻ pha trộn với các vệt đen hoặc trắng nhạt. Trên má hình thành hai mào đỏ và hai chỏm lông sừng màu xanh thẫm.
Chim trống trưởng thành có thể nặng tới 1,5 – 2kg, lông đuôi có thể đạt 0,4 – 0,6m, tùy theo chế độ chăm sóc và mật độ nuôi thả. Chim mái có kích thước nhỏ hơn chim trống. Sau khi thay lông ở thời kỳ 3-5 tháng tuổi, chim mái sẽ ổn định ở bộ lông màu tối có những đốm đen, pha lẫn màu hạt dẻ. Chim mái có đuôi ngắn hơn chim trống, trọng lượng bình quân của một chim mái trưởng thành khoảng 0,7 – 1,3kg/con.
Đối với chim mái cần chọn mua chim có thân bầu, không dị hình, dị tật. Nên mua chim ở những cơ sở gây nuôi uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm để lựa được những cá thể chim khỏe mạnh, không bị đồng huyết, cũng như được tư vấn về kỹ thuật gây nuôi.
Cũng theo anh Giáp, bà con nên tìm đến các cơ sở gây nuôi được cấp phép để mua con giống với nguồn gốc hợp lệ. Tránh mua trôi nổi trên thị trường sẽ gặp phải không ít khó khăn trong khâu vận chuyển cũng như công tác nhân giống và tiêu thụ sản phẩm về sau.
Anh Giáp lưu ý với người nuôi là hiện nay chim trĩ đỏ vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã nên việc gây nuôi vẫn phải có khai báo với chi cục kiểm lâm sở tại. Phần lớn các cơ sở nhân giống tự phát trên cả nước hiện vẫn chưa được đăng ký gây nuôi. Đây cũng là một vấn đề khó khăn trong công tác quản lý đối với các cơ quan hữu quan cũng như việc vận chuyển, buôn bán cho các hộ dân.