Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới, song chất lượng chè xuất khẩu vẫn thấp. Vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất chè theo hướng an toàn là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao thương hiệu và giá trị cho ngành chè hiện nay.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp để không thua trên sân nhà
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/08, tại Hà Nội.
Tái cơ cấu chưa tạo được chuyển biến rõ rệt
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 năm thực hiện, kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.
Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, với mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27% và cao hơn nhiều so với năm 2013, tương ứng là 3,0% và 2,64%). Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết thất thường, bất lợi về thị trường, tốc độ tăng trưởng GDP ngành vẫn đạt 2,36%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế. Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra.
Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa xây dựng được đề án, cũng như kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, một số địa phương tuy đã phê duyệt nhưng lại chưa triển khai.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tái cơ cấu ngành. Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Tỉnh đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa. Nhờ tái cơ cấu, nhiều ngành hàng chủ lực của Tỉnh, như: cà phê, thủy sản trong 2 năm qua phát triển tốt hơn.
Nhiều doanh nghiệp lớn chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp, như: Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng hội nhập, năng suất trong nông nghiệp còn thấp, cơ cấu sử dụng lao động chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù Nhà nước có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng thực tế, có thể thấy, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, như: thiếu quỹ đất, khó tiếp cận vốn, công nghệ bảo quản, chế biến thấp và thủ tục hành chính còn phức tạp.
Cần tập trung vào sản phẩm thế mạnh
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thực hiện tốt tái cơ cấu là cách duy nhất để khắc phục cơ bản những tồn tại, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đạt kết quả cao hơn.
Do vậy, phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức lại các hợp tác xã, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, cần tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân để góp phần thay đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Phạm S cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát cơ chế chính sách nguồn vốn phát triển nông nghiệp. Đối với Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách vốn ưu đãi đối với những sản phẩm tái cơ cấu như cà phê, thủy sản.
Bên cạnh đó, ông Đặng Huy Hậu cũng đưa ra đề xuất, để thu hút được doanh nghiệp cần cung cấp đất sạch cho doanh nghiệp, nếu không có quỹ đất, phải tạo thuận lợi tối đa, có chính sách hỗ trợ cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân.
Về vốn ở ngân hàng, Nhà nước cần thành lập thêm một hội đồng để duyệt dự án sản xuất nông nghiệp tại địa phương với các thành phần của ngành và tỉnh, bản thân ngân hàng cũng tham gia. Nếu như dự án được duyệt, thì đây là bảo lãnh của một tập thể. Trong đó, chính quyền đứng ra làm tín chấp cho doanh nghiệp, ngân hàng sẽ dựa vào đó để thẩm định.
Cùng với đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp trong việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Nhanh chóng giải bài toán thủ tục hành chính để tạo nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp tham gia sản xuất.
Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, tiềm năng từ doanh nghiệp còn rất lớn, vì vậy những vướng mắc nào từ cơ chế chính sách còn là rào cản để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần được rà soát và gỡ bỏ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới là rất lớn.
"Dù chúng ta đã mở cửa thị trường, song mặt hàng nông nghiệp của chúng ta vẫn còn hạn chế ở một số nước. Nếu ngành nông nghiệp không nhanh chóng nâng cao hiệu quả cạnh tranh thì nông nghiệp Việt Nam sẽ thất bại ngay trên sân nhà", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương có giải pháp quyết liệt trong triển khai. Thời gian là cấp bách khi nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Để giải quyết vấn đề này phải tạo ra khâu liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Đối với các địa phương phải kêu gọi doanh nghiệp vào đề án tái cơ cấu của mình./.