Nhờ nghề vớt sứa trên biển, nhiều hộ dân vùng ven biển Hoằng Trường (Thanh Hóa) đã vươn lên thoát nghèo. Cái nghề độc đáo này được người dân nơi đây gọi là vớt "vàng trắng".
Sáng kiến độc: “Trùm mền” cho cả vườn cây… để né hạn, tránh sâu rầy
- Cập nhật : 30/03/2016
(Nong nghiep)
Thấy vất vả, tốn kém với kỹ thuật bao trái bằng túi nilon, nhiều nông dân xã Tân An Thạnh (huyện Bình Tân) có sáng kiến độc khi dùng lưới cước bao hết diện tích vườn. Với kỹ thuật này, bà con nơi đây gọi vui là “trùm mền” cho cây để tránh hạn, né sâu rầy…
Có mặt tại vườn mận của bà Trần Kim Cương - ấp An Thạnh, xã Tân An Thạnh vào những ngày cuối tháng 3 khi cái nắng như vô cùng gay gắt. Tuy nhiên, trước màu xanh bạt ngàn của vườn mận và đặc biệt toàn bộ vườn mận được trùm lưới cước nên khi chúng tôi bước vào vườn không khí mát mẻ dễ chịu hơn nhiều.
Bà Kim Cương cho biết: “Trồng cây mận rất mau ăn nhưng sâu rầy nhiều lắm. Bởi vậy để có mận bán mấy năm nay bà con phải dùng túi nilon bọc từng trái. Cách này vừa tốn công, tốn tiền… nên năm vừa rồi gia đình tôi mua lưới cước về trùm hết vườn luôn. Qua 2 đợt mận, tôi thấy cách này hữu hiệu vô cùng trong việc tránh sâu, rầy và giảm được nước tưới đáng kể, nhất là trong mùa nắng nóng như thế này”.
Anh Tính cho biết từ ngày áp dụng mô hình "trùm mền" cho cây mận thế này tránh được sâu bệnh, giảm nước tưới và nhất là không tốn công, tốn tiền trong việc dùng túi nilon bao từng trái mận
Cụ thể theo bà Cương cho biết, trước đây khi mận ra trái (nhất là giai đoạn còn 15 ngày hái bán) gia đình bà Cương cách 4 ngày là phải phun thuốc diệt sâu long một lần. Còn hiện tại, cách 3 – 4 tuần gia đình bà mới phun thuốc. Riêng việc tưới nước, do có một lớp lưới cước bao phủ nên độ ẩm trong vườn cũng được giữ lâu hơn vườn cây trơ nắng nên thay vì 2 -3 ngày tưới nước/lần thì hiện nay cả tuần mới tưới nước.
Còn nông dân Đỗ Văn Tính, ấp An Thạnh, xã Tân An Thạnh đang áp dụng mô hình “trùm mền” cho vườn mận rộng 5.000m2 bằng lưới cước vui vẻ cho biết: “Từ ngày áp dụng mô hình này gia đình tôi đỡ vất vả rất nhiều, trong khâu bao trái, phun thuốc và tưới nước cho cây. Nhất là khâu bao trái, mỗi đợt thu hoạch tôi phải tốn 200.000 tiền mua túi nilon (một năm từ 4 -5 đợt) rồi tính thêm tiền thuê nhân công bao trái mận cũng phải tốn 2 triệu đồng/đợt. Như vậy, nếu tính trong 2 năm tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng nhưng đầu từ mô hình “trùm mền” này chỉ tốn 15 triệu đồng”.
Khi áp dụng dụng mô hình "trùm mền", năng suất vườn mận vẫn bình thường, đặc biệt trái mặn ăn cũng ngon hơn
Theo anh Tính, khi áp dụng mô hình “trùm mền” cho cây mận, số lần phun thuốc cũng giảm đáng kể. Nếu như trước đây trong giai đoạn gần thu hoạch cứ cách 4 ngày phải phun một lần, còn bây giờ từ 3 -4 tuần mới phun một lần. Lượng nước tưới thì giảm được 1/3. Đặc biệt, khi áp dụng mô hình “trùm mền” cho cây mận, ngoài việc tiết kiệm chi phí phân, thuốc, nước tưới… thì ý nghĩa nhất là không tốn công bao trái (thường cũng mất cả tuần lễ, tùy theo diện tích lớn nhỏ) nên chủ vườn dành thời gian làm việc khác.
Hỏi thăm về giá mận hiện tại, anh Tính cũng cho biết, từ khi bước vào mùa nắng nóng giá mận luôn ở mức từ 7.000 – 10.000 đồng/kg. Từ Tết đến nay với giá mận nêu trên thì sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình anh Tính bỏ túi khoảng 35 triệu đồng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Văn Theo – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân cho biết, vừa qua phòng có nắm được thông tin nhiều người dân ở xã Tân An Thạnh lấy lưới cước bao hết vườn cây ăn trái, trong đó nhiều nhất là cây mận. Cách làm này là tự bà con nghĩ ra, ngành nông nghiệp huyện không khuyến cáo, ngành chỉ khuyến cáo bà con dùng túi nilon bao trái để vừa tránh sâu rầy, vừa tránh được thuốc trừ sâu bám vào trái… Theo chúng tôi ghi nhận, một số hộ dân trùm lưới cước lên cây không làm hệ thống chóng đỡ nên lưới đè lên cây, phần tiếp xúc với lưới cước nhiều nhất là lá nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Do vậy, Phòng nông nghiệp huyện không khuyến cáo người dân áp dụng mô hình này.