tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Yếu tố nào tác động đến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2018

  • Cập nhật : 27/07/2018

Bên cạnh các thách thức, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội dựa trên mức tăng trưởng GDP của năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.

Chiều ngày 26/7, tại Diễn đàn Kinh doanh Forbes Việt Nam 2018 với chủ đề “Tạo dựng tăng trưởng bền vững” do Forbes Việt Nam tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6,8%.

Tuy nhiên, tình hình chung của nền kinh tế có nhiều thách thức và cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biến động tỷ giá…

nen kinh te viet nam co nhieu co hoi dua tren muc tang truong gdp cua nam 2017 va 6 thang dau nam 2018. anh: pham kien-ttxvn

Nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội dựa trên mức tăng trưởng GDP của năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

*Nền tảng tăng trưởng tốt

Đánh giá về diễn biến của nền kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng, sự biến động thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng toàn cầu và dự đoán của các chuyên gia; đồng thời đây cũng là những tín hiệu tuân thủ quy luật chung của thị trường.

Bên cạnh các thách thức, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội dựa trên mức tăng trưởng GDP của năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp đầu tư cải tiến sản xuất kinh doanh, vượt qua thách thức cũng như vươn lên.

Vấn đề quan trọng là cần có những giải pháp thúc đẩy khai thác tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng.

Đặc biệt, tận dụng sự đóng góp của những đầu tàu kinh tế tư nhân với tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đây là thời điểm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy nội lực trong quá trình Chính phủ đã và đang nỗ lực khơi thông cơ chế chính sách hỗ trợ; trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân phải chủ động củng cố hoạt động sản xuất kinh doanh trên tinh thần đổi mới sáng tạo, hội nhập như: tận dụng hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường…

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt những tác động từ bên ngoài cũng được dự báo, nhưng khó biết trước được mức độ tác động nhiều hay ít.

Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, nếu dừng lại với mức độ hiện nay thì tác động không lớn đến nền kinh tế Việt Nam, song nếu tiếp tục leo thang thì tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực.

Bởi Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, còn Trung Quốc là nước mà Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí sản xuất tăng lên và áp lực cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc khi không xuất khẩu sang Mỹ.

Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc và Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright nhấn mạnh, hiện nay doanh nghiệp có thể có chủ động cập nhật danh sách ngành hàng bị ảnh hưởng như: máy móc, thiết bị, sản phẩm cơ khí…

Còn dự báo quan ngại leo thang cuộc chiến thương mại và những mối đe dọa sau khi Mỹ áp thuế 34 tỷ USD và sau đó là 200 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc (chịu thêm 10% thuế suất đối với khoảng 5.900 dòng hàng), doanh nghiệp cần lưu ý trong đó có thêm lĩnh vực đồ nội thất, thủy sản, nông sản…

Điều này đẩy áp lực cạnh tranh sang thị trường châu Á khi lượng hàng này của Trung Quốc không nhập khẩu được vào Mỹ.

Riêng trong trường hợp tiến đến con số 500 tỷ USD mà Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc thì sẽ tác động đến tất cả các dòng hàng và ảnh hưởng rất lớn đến những sản phẩm như giày dép, may mặc…

*Chủ động kiểm soát rủi ro

Cùng với nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang trong thời gian tới, vấn đề biến động tỷ giá cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và trong thời gian tới.

doanh nghiep viet nam phai chiu chi phi san xuat tang len va ap luc canh tranh voi hang gia re tu trung quoc khi khong xuat khau sang my. anh: pham kien-ttxvn

Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí sản xuất tăng lên và áp lực cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc khi không xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN

Mặc dù chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày càng linh hoạt và bám sát thị trường, nhưng việc kiểm soát những rủi ro từ việc biến động tỷ giá đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng cũng là vấn đề đặt ra.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành cần cải cách và tạo động lực cải cách hơn nữa để từ đó đảm bảo kiểm soát các rủi ro về áp lực gian lận thương mại thông qua sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động hướng đến xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh, có thể thích nghi tốt với những biến động nền kinh tế trong nước và thế giới.

Đặc biệt, cần tạo môi trường sản xuất kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp khẩn trương thích ứng với những biến đổi, hình thành năng lực quản lý rủi ro cũng như bám sát thị trường.

Một số vấn đề quan trọng khác cần quan tâm có thể kể đến là biến động trong lĩnh vực xăng dầu, xuất khẩu hàng hóa… sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng dòng đầu tư FDI rút khỏi các thị trường mới nổi, doanh nghiệp trên toàn cầu thu nguồn vốn tại các thị trường trọng điểm đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải tăng tốc cải cách thể chế.

Riêng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ lạc hậu về công nghệ ứng dụng trong quản lý, sản xuất kinh doanh…, nếu không sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để nền kinh tế Việt Nam cũng như doanh nghiệp phát triển bền vững, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần đảm bảo yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường.

Hiện nay, Việt Nam có năng suất lao động thấp trong khu vực, năng lực cạnh tranh thấp…, nhưng điều này cũng cho thấy dư địa cải cách của Việt Nam còn lớn và đây là chìa khóa cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, chìa khóa thúc đẩy sự phát triển vẫn là cải cách thể chế và tinh thần của Chính phủ phải trở thành hành vi của từng cơ quan quản lý mới thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Vấn đề trước tiên là giải bài toán về điều kiện sản xuất kinh doanh và tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Tiếp theo là đảm bảo cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực như: chính sách hỗ trợ, tài chính, đất đai… để phục vụ nhu cầu phát triển và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước; đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các cộng đồng doanh nghiệp./.
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục