tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp Việt bị 'gạt' ra ngoài chuỗi giá trị

  • Cập nhật : 20/07/2018

Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong nước không chỉ không chen chân được mà đang bị “gạt” ra ngoài sân chơi lớn mang tên FDI.

cac chuoi cua tiem thuc an nhanh hau het nhap nguyen phu lieu tu nuoc ngoai  - anh: ngoc duong

Các chuỗi cửa tiệm thức ăn nhanh hầu hết nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài  - ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Mặc dù đại diện của Samsung VN đã bác thông tin không có kế hoạch đưa thêm 200 nhà cung ứng từ nước ngoài vào VN nữa theo như tin từ VCCI trước đó, tuy nhiên có một sự thật là trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp (DN) hiện đang cung ứng cấp 1 (cung cấp trực tiếp) của Samsung tại VN, chỉ có 29 DN VN tham gia. Con số quá khiêm tốn so với thực lực và kỳ vọng của DN nội địa.

Chỉ 13% DN nội tham gia chuỗi cung ứng

Một điều tra của Trung tâm phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công thương), vào cuối năm 2017 cho thấy, VN có hơn 600 DN sản xuất linh kiện điện - điện tử, tăng trưởng bình quân về số lượng DN giai đoạn 2011 -2016 đạt gần 13,7%. Tuy nhiên ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Phần sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa - cao su. Đặc biệt, các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.

Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa năm 2017 của VN đạt 33,2%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa tại Trung Quốc cùng thời điểm chiếm hơn 67%, tại Thái Lan gần 57%, Indonesia chiếm hơn 45%. Đáng lưu ý, trong 33,2% tỷ lệ cung ứng nội địa của VN, DN trong nước chỉ cung ứng có 13,1%.

Bộ Công thương cũng thừa nhận, VN mới chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho DN FDI. Vấn đề là có tham gia cũng chỉ làm phần phụ tùng thay thế chứ chưa sản xuất được sản phẩm chính. Chuyện về chiếc xe máy là một ví dụ điển hình cho sự đuối sức hoặc bị gạt ra ngoài cuộc chơi của ông lớn FDI. Trung bình mỗi năm, có khoảng 3,2 - 3,5 triệu chiếc xe máy được sản xuất và tiêu thụ tại VN. Tuy nhiên, 80% linh kiện, phụ tùng cho số xe này được làm tại VN song do DN FDI “thầu” trọn gói. DN trong nước chỉ thực hiện các công đoạn làm các phụ tùng nhựa hoặc bình ắc quy.

Thực tế, không chỉ với các ngành điện tử, cơ khí, hiện có rất nhiều ngành sản xuất nội bị “gạt” hoàn toàn ra khỏi sân chơi như dệt may, da giày, thức ăn nhanh, chuỗi cà phê ngoại...

Đứng ngoài từ ô tô đến ly cà phê, miếng bánh hamburger

Năm 2006, khi Intel công bố đổ 1 tỉ USD đầu tư nhà máy sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới tại VN năm 2006, nhiều DN Việt xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, DN đang làm gia công, làm theo đơn đặt hàng các công ty phần mềm Mỹ tại VN kỳ vọng sẽ sớm tham gia vào chuỗi cung ứng này. Thế nhưng, hơn 12 năm qua, một nghiên cứu về Intel của Đại học Fulbright VN cho thấy, DN nội địa không có nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho Intel mà chỉ là những nhà “cung cấp giá đỡ, hộp, linh kiện nhỏ” cho ông lớn công nghệ cao này. Nghiên cứu chỉ ra, giá trị gia tăng của các nhà cung ứng nội địa cho Intel tại VN chỉ đạt 3%, 97% là nhập khẩu.

Hay một ngành mà 20 năm trước, VN đã xác định là ngành chiến lược trong bức tranh công nghiệp hóa của quốc gia là công nghiệp ô tô và đã có nhiều nhà máy của các hãng ô tô nước ngoài đặt tại VN. Tuy nhiên, đến nay, công nghiệp ô tô VN mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp hay một số sản phẩm nhựa.

Các chuỗi cửa tiệm thức ăn nhanh như McDonald’s, KFC, Lotteria, Burger King... hầu hết nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài trong hệ thống. Chẳng hạn, nhập khoai tây từ Thái Lan, thịt bò từ Mỹ, Úc... Thậm chí ngay chiếc ly giấy cũng được cung cấp bởi các DN FDI trong chuỗi cung ứng tại VN, DN nội địa 100% hầu như không có. Hoặc có trường hợp hiếm hoi là thương hiệu bánh thuần Việt ABC Bakery hiện đang cung ứng chiếc bánh hamburger cho 98% chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này.

Chủ chuỗi cà phê C.B từ Mỹ vào VN cũng kể cho Thanh Niên, VN là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới, song đa số nguyên liệu cà phê và cả nguyên phụ liệu pha chế DN này phải nhập từ nước ngoài theo chuẩn của chuỗi thương hiệu. Cà phê Việt, một trong những thủ phủ cà phê thế giới, đang đứng ngoài cuộc chơi đối với các nhà đầu tư cà phê chuỗi ngoại vào VN. Thứ nữa, ngay chiếc ly nhựa được in dòng thương hiệu sắc nét trên thành ly của chuỗi cà phê này cũng được nhà đầu tư tiết lộ là đặt làm từ một DN Singapore có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Singapore. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trung bình mỗi năm VN nhập khẩu khoảng 1 triệu bao cà phê (hơn 60.000 tấn) gồm cà phê nhân, rang xay, pha sẵn để cung cấp cho các chuỗi cà phê.

 

Nguyên Nga - Mai Phương
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục