tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nghiên cứu giai đoạn 2001-2017

  • Cập nhật : 01/07/2018

Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Dữ liệu thứ cấp giai đoạn quý I/2000 đến quý IV/2017, được thu thập chủ yếu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kinh tế thương mại (TradingEconomics.com) và Tổng cục Thống kê. Tác giả sử dụng mô hình VAR và phân tích phản ứng đẩy để nghiên cứu mối quan hệ này. Kết nghiên cứu cho thấy, trong ngắn hạn là quan hệ nghịch biến và trong dài hạn là quan hệ đồng biến. Đây là cơ sở tác giả đề xuất một số khuyến nghị cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát ở Việt Nam hiện nay.

Các nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế

Trong phát triển kinh tế, thách thức cũng như khó khăn nhất chính là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà quản lý và điều hành nền kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới bao gồm cả Việt Nam là tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, cùng với mức lạm phát thấp.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình kinh tế lượng khác nhau tại các quốc gia trên thế giới nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng trong ngắn hạn hoặc trong dài hạn. Trên thực tế, tuỳ theo tình hình của mỗi nước, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng có thể cùng chiều và cũng có thể ngược chiều.

Umaru và Zubairu (2012) sử dụng dữ liệu quý I/2005 đến quý II/2012 tại Nigeria bằng cách kiểm định nghiệm đơn vị của Dickey Fuller và Philips Perron. Nghiên cứu kết luận, lạm phát tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua việc khuyến khích sản xuất và tăng trưởng sản lượng.

Trong khi đó, Mallik và Chowdhury (2001) phân tích tác động lạm phát và tăng trưởng tại 4 quốc gia Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka). Kết quả nghiên cứu chứng minh lạm phát và tăng trưởng có quan hệ với nhau một cách chắc chắn. Tính nhạy cảm của lạm phát đến sự thay đổi của mức độ tăng trưởng lớn hơn sự nhạy cảm của tăng trưởng đến sự thay đổi của lạm phát.

Faria (2001) kiểm định mối quan hệ giữa lạm phát và sản lượng trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với thời kỳ lạm phát cao kéo dài tại quốc gia Brazil, giai đoạn năm 1985 đến năm 1995. Kết quả cho thấy, lạm phát không ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế trong dài hạn, tuy nhiên trong ngắn hạn sự ảnh hưởng của lạm phát đến sản lượng lại là nghịch biến.

Nhìn chung, thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu khác về sự tác động qua lại giữa tăng trưởng và lạm phát. Tuy nhiên, mục tiêu của nghiên cứu này là xem xét mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng ở Việt Nam sử dụng dữ liệu theo quý giai đoạn quý I/2000 đến quý IV/2017. Kết quả nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm ổn định lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.

Mô hình, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Mô hình và phương pháp nghiên cứu: Dựa trên các mô hình nghiên cứu của Faria (2001) và Mallik và Chowdhury (2001), tác giả sử dụng mô hình VAR để nghiên cứu mối quan hệ giữa lạm phát (CPI) và tăng trưởng kinh tế (tốc độ tăng trưởng GDP) tại Việt Nam. Mô hình VAR(p) có dạng như sau:

Trong đó: yt là ma trận cột cấp 2x1; p: là độ trễ của yt; β: là ma trận cấp 2x1; Φ: là các ma trận vuông cấp 2x2; ut: Là nhiễu trắng.

Dữ liệu nghiên cứu sử dụng trong đề tài được thu thập từ 3 nguồn chủ yếu: IMF, trang Thông tin Kinh tế thương mại và Tổng cục Thống kê, giai đoạn từ quý I/2000 đến quý IV/2017. Bảng 1 mô tả giá trị trung bình, giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất và số quan sát dùng trong nghiên cứu.

Hàm phản ứng đẩy và kết luận

Trên cơ sở kết quả thực hiện các kiểm định của mô hình VAR như kiểm định tính dừng, kiểm định lựa chọn độ trễ tối ưu, kiểm định nhân quả granger, kiểm định tự tương quan của phần dư và kiểm định tính ổn định của mô hình cho thấy, mô hình đều thỏa mãn các điều kiện của mô hình VAR.

Thứ nhất, phản ứng của lạm phát khi có các cú sốc của tốc độ tăng trưởng kinh tế: Kết quả phân tích hàm phản ứng đẩy của các biến trong ước lượng VAR cho thấy, khi tăng trưởng kinh tế tăng lên một độ lệch chuẩn, lạm phát giảm nhẹ 6,47% trong quý thứ 1, tuy nhiên từ quý 2 đến quý 4 thì các cú sốc tăng trưởng kinh tế tác động mạnh, tích cực đến lạm phát và mạnh nhất là tăng 85,05% vào quý 3.

Mặt khác, từ quý thứ 5 trở đi các cú sốc của tăng trưởng kinh tế lại bắt đầu tác động ngược chiều đến lạm phát và bắt đầu tắt dần sau quý thứ 12 (sau 3 năm). Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 5%. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tác động tích cực đến lạm phát của Việt Nam. Do đó, có thể kết luận, trong ngắn hạn tốc độ tăng trưởng kinh tế tác động tích cực đến lạm phát của Việt Nam, trong dài hạn mối quan hệ này có thể sẽ thay đổi chiều tác động và sẽ kéo dài đến 3 năm sau đó tắt dần.

Thứ hai, phản ứng của tốc độ tăng trưởng kinh tế khi có các cú sốc của lạm phát: Kết quả phân tích hàm phản ứng đẩy của các biến trong ước lượng VAR cho thấy, khiCPI tăng lên một độ lệch chuẩn, thì tốc độ tăng trưởng GDP giảm 4.36% trong quý thứ 1, mức giảm này tăng dần cho đến quý thứ 3 (giảm mạnh nhất là quý thứ 2 giảm 10,99%) và tắt dần cho đến sau quý thứ 3, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 5%.

Từ kết quả này, khẳng định trong ngắn hạn, lạm phát tác động ngược chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, phù hợp với các nghiên cứu thực nghiệm của Den Haan và Wouter (2000), Mallik và Chowdhury (2001) và Faria (2001).

Hàm ý chính sách

Lạm phát và tăng trưởng kinh tế tồn tại mối quan hệ trong ngắn hạn và dài hạn, do đó, Chính phủ cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, toàn diện giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ khâu hoạch định chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, chính sách tỷ giá và các chính sách khác để giải quyết để đạt được các mục tiêu kiềm chế, duy trì ổn định lạm phát và kích thích tăng trưởng.

Trong ngắn hạn, cần đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, tồn mối quan hệ cùng chiều giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, do đó cần có chính sách điều tiết lạm phát phù hợp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững lên hàng đầu. Trong chính sách quản lý kinh tế, cần tuân thủ nghiêm các mục tiêu kế hoạch đã đặt ra, tránh tình trạng phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng hiện tại để kiềm chế lạm phát, hoặc đặt kỳ vọng tăng trưởng quá cao sẽ gây hiện tượng tăng trưởng nóng, gây áp lực lên lạm phát và đời sống của người dân.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống ổn định để phát triển và phát triển trong ổn định. Đây là biện pháp tiên quyết, trong đó luôn chủ động bảo đảm ở mức tốt nhất các cam đối kinh tế vĩ mô, kịp thời có biện pháp xử lý hoặc làm giảm các biểu hiện như thâm hụt quá mức cán cân thanh toán, nhập siêu, tình trạng căng thẳng và mất cân đối về vốn đầu tư, nợ tồn đọng vốn đầu tư…

Thứ hai, Chính phủ không nên theo đuổi mục tiêu giữ lạm phát thấp bằng mọi giá, cần thực hiện các chính sách hướng tới mục tiêu ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng nhanh để rút ngắn thời gian thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thực tế cho thấy, lạm phát cũng bị chi phối bởi những yếu tố khác. Do vậy, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp nhằm ổn định lạm phát, tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững, tránh những cú sốc lạm phát không có lợi cho nền kinh tế.            

 

BÙI THỊ ĐIỆP, MAI BÌNH DƯƠNG - KHOA TÀI CHÍNH – KẾ TOÁN (ĐẠI HỌC VĂN LANG)
Theo Tapchitaichinh.vn

Tài liệu tham khảo:

1. ThS. Nguyễn Minh Sáng & Ngô Nữ Diệu Khuê (2015), Lạm phát và tăng trưởng kinh tế: Nghiên cứu thực nghiệm các nước đang phát triển và trường hợp Việt Nam, Tạp chí Phát triển & hội nhập số 21, tháng 03-04/2015.

2. Den Haan and Wouter 2000, “The comovement between output and prices”,  J. Monetary Econ., Vol 46, pp. 3-30;

3. Faria and Carneiro 2001, “Does Inflation Affect Growth in the Long and Short run”, Journal of Applied Economic, Vol. 4, No. 1. pp. 89-105;

4. Khan và Sehadji 2001, “Threshold Effects in the Relationship Between Inflation and Growth”, IMF Staff Papers, Vol. 48, No. 1.

5. Mallik and Chowdhury 2001, “Inflation and Economic Growth: Evidence from four South Asian Countri.es”, Asia-Pacific Development Journal,Vol. 8, No. 1. pp. 123-135;

6. Umaru and Zubairu 2012, “Effect of Inflation on the Growth and Development of the Nigerian Economy: An Empirical Analysis”, International Journal of Business and Social Science, Vol 3(10), pp. 183-191;

7. Các website: imf.org, tradingeconomics.com, gso.gov.vn…

Trở về

Bài cùng chuyên mục