19% các doanh nghiệp (DN) đánh giá cán bộ thuế tận tình chu đáo. Như vậy, tỉ lệ còn lại mới hoàn thành phận sự của mình, thậm chí có thể gây nhũng nhiễu cho DN.
EVN đề xuất tăng mua điện từ Trung Quốc
- Cập nhật : 12/08/2018
Lãnh đạo EVN đề xuất tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc để bảo đảm nguồn cung.
Báo cáo tại diễn đàn "Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững", ngày 9/8, ông Lê Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỉ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.
Theo ông Lực, thách thức thứ nhất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng mà Việt Nam có thể đối mặt liên quan đến sự hạn chế nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Tiếp đến là nhu cầu năng lượng tăng cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở. Thách thức về tác động môi trường của hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh.
Trong khi đó, phía EVN dự báo nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 sẽ tăng trưởng cao so với các nước, khoảng 7-11%/năm, đặt ra thách thức phải đảm bảo nguồn cung.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, tập đoàn đã chủ động tính toán nhiều phương án để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030.
Đối với phương án cơ sở, từ năm 2019 - 2030 ngành điện sẽ phụ thuộc vào 3 thành phần chủ yếu là: than, khí, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2019 - 2020 nguồn cung cấp điện có thể đảm bảo, tuy nhiên mức độ sản lượng huy động các nguồn đắt tiền tương đối cao. Từ năm 2021 - 2023, các nguồn điện gần như đã được huy động hết. Từ năm 2025 - 2030 thì gần như đáp ứng được nhu cầu cung cấp điện.
"Khả năng thiếu điện có thể xảy ra bởi nước ở các hồ thủy điện không ổn định, nguồn khí ngày càng hạn chế. Việc đảm bảo cung cấp điện đến năm 2030 sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các nguồn điện đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với Quy hoạch VII điều chỉnh.
Nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt nguồn điện trong miền Nam đang bị chậm so với tiến độ. Nguồn nhiên liệu tiềm ẩm nhiều rủi ro, khí thiên nhiên suy giảm, khí thay thế đưa vào khó", ông Hải cho hay.
Để đảm bảo nguồn cung ứng điện, Phó tổng giám đốc EVN đề xuất 2 giải pháp chính.
Thứ nhất là kiểm soát nhu cầu phụ tải, trong đó tăng cường biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.
Thứ hai là đảm bảo nguồn cung. Ông Hải cho rằng cần đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện; đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện; có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào để đẩy nhanh việc đàm phám với phía Lào nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220kV hiện hữu. Đặc biệt là phải tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc theo phương án cách ly lưới điện. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tập trung đầu tư công trình lưới điện 220-110kV.
EVN mua điện rẻ, bán cao: Do nhập điện Trung Quốc?
Trong nước thừa vẫn nhập từ Trung Quốc giá cao
Trước đó, chuyện mua điện từ Trung Quốc đã khiến dư luận khó hiểu. Bởi lẽ, theo nhiều nhà máy thủy điện, nguồn cung từ các thủy điện vừa và nhỏ trong nước rất khó bán cho EVN hoặc bán với giá rất thấp, EVN vẫn kiên định nhập với giá rất cao từ Trung Quốc.
Số liệu từ năm 2015 cho biết, giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/KWh. Mức giá bình quân được tính trên cơ sở mua điện trong nước và của TQ. Theo đó, giá mua điện của các thủy điện trong nước là 847,5 đồng/KWh, nhiệt điện than 1.286 đồng/KWh, tuabin khí là 1.065,2 đồng/KWh.
Riêng giá điện mua từ TQ có giá lên tới 1.300 đồng/kWh, cao hơn tới hơn 456 đồng/kWh so với trong nước.
Đáng nói, tình trạng thiếu điện phải nhập điện là hợp lý nhưng ngay cả trong bối cảnh VN thừa điện như năm 2012, EVN vẫn phải đi nhập điện của TQ giá cao, điều này được PGS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng, đó là lỗi quản lý, khả năng dự báo tình trạng sử dụng điện không chính xác.
"Ở đây, đòi hỏi phải vào cuộc điều tra rõ ràng vì sao thừa điện vẫn nhập? Có lợi ích nhóm ở hay có vì lợi nhuận nào khác hay không? Hơn nữa, dù đang phải đi nhập điện nhưng nguồn cung cấp điện hiện nay vẫn chủ yếu là từ các thủy điện trong nước. Vì vậy, không thể lấy giá điện mua của TQ để tính mức giá bình quân dựa trên mức giá thành bán trong nước", vị chuyên gia nói rõ.
Thái An (tổng hợp)
Theo Baodatviet.vn