Các quy định về tỷ lệ sở hữu giữa ngân hàng thương mại với các tổ chức tín dụng khác đã được ban hành và lộ trình thoái vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN cũng đã quá thời hạn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa thực sự chấm dứt như kỳ vọng, trong khi, sở hữu chéo luôn tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng.
Vì sao nhà thầu Trung Quốc trở thành nỗi “khiếp sợ”?
- Cập nhật : 02/06/2016
Đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng “lởm”
Nhà thầu Trung Quốc hiện đang tham gia rất nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng, năng lượng của Việt Nam.
Theo số liệu của Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội công bố năm 2014: Có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó có tới 30 dự án trọng điểm Quốc gia.
Điều đáng nói là rất nhiều trong số những dự án này bị chậm tiến độ, đội vốn lên nhiều lần. Thậm chí có những dự án liên tục bị phê bình, nhắc nhở, dư luận lên án nhưng họ vẫn chây ỳ, tiến độ thì “không biết bao giờ mới xong”.
Đơn cử là trường hợp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Được khởi công ngày tháng 10/2011. Theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 11/2013 nhưng đến nay, công trình vẫn tiếp tục phải giãn tiến độ đến cuối năm 2016. Cũng vì chậm tiến độ, cùng với thay đổi thiết kế, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng từ 552,86 triệu USD lên gần 900 triệu USD.
Theo khảo sát của phóng viên, dọc tuyến đường sắt này vẫn còn nhiều hàng mục dang dở với khối lượng công việc còn rất lớn. Theo báo cáo của Tổng thầu Trung Quốc hồi cuối tháng 4/2016, dự án tiếp tục chậm tiến độ vì thiếu bản vẽ thiết kế, nhiều hạng mục xây lắp trước xong lại phải dỡ bỏ vì không phù hợp với bản vẽ thiết kế. Nhiều người lo ngại, không biết bao giờ dự án sẽ xong?
Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, sau nhiều lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng 10 năm qua vẫn không thể hoàn thành vì hết tiền và bị nhà thầu Trung Quốc “bỏ rơi”. Tất cả công trình, nhà xưởng, máy móc, thiết bị phơi sương, phơi nắng, thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ đồng mỗi tháng.
Cũng liên quan đến tổng thầu Trung Quốc, hàng loạt các dự án nhiệt điện lớn như dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Uông Bí mở rộng 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2… do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng khiến các chủ đầu tư nhiều lần “toát mồ hôi” vì bị nhà thầu “dọa” bỏ hoặc chậm giải ngân. Hầu hết các dự án này đều bị chậm tiến độ vài năm.
Không chỉ liên quan đến vấn đề về vốn và tiến độ thi công, nhiều dự án của nhà thầu Trung Quốc còn để lại “tai tiếng” về chất lượng công trình như sân vận động Mỹ Đình. Dự án này có tổng mức đầu tư 69 triệu USD, trong đó, gói thầu của nhà thầu Trung Quốc là 59 triệu USD.
Sân vận động đi vào hoạt động từ ngày 2/9/2003 và liên tục có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tường khán đài nứt dọc nứt ngang, nhiều điểm sụt lún trên các khán đài, đường chạy điền kinh không thể hoạt động được,… Hàng chục tỷ đồng đã được đổ vào để đại tu, sửa chữa. Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhà thầu này đã ký hợp đồng với nhà thầu phụ với đơn giá rất thấp để hưởng chênh lệch hàng triệu USD.
Mất niềm tin là điều dễ hiểu
Chúng ta không đánh đồng tất cả các nhà thầu Trung Quốc với nhau, nhưng rõ ràng với hàng loạt các dự án thi công với chất lượng rất “ẩu” như vậy không khỏi khiến dư luận lo ngại, bức xúc.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân lên tiếng phản đối một cách gay gắt khi Vinaconex công bố doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu dự án ống nước sông Đà số 2 - một dự án liên quan đến an sinh xã hội người dân thủ đô.
Lý giải vì sao cứ nhắc đến nhà thầu Trung Quốc thắng thầu người dân lại có vẻ “dị ứng”, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Chuyện người dân mất niềm tin vào năng lực của nhà thầu Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu, khi quá nhiều công trình có liên quan đến Trung Quốc đang khiến người dân vô cùng lo lắng”.
“Lâu nay, chất lượng của nhiều công trình nhà thầu Trung Quốc thi công quá kém dẫn đến tâm lý của người dân cảm thấy sợ”, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.
Một chuyên gia kinh tế khác quan ngại: Sự phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Mối nguy từ việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu phần lớn các dự án “chìa khoá trao tay” (EPC) với những dự án trọng điểm mới là điều đáng lo ngại.
Sao cứ ham rẻ?
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết: Chất lượng nhà thầu Trung Quốc đã được chúng tôi nhắc đến nhiều rồi.
“Theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này đó đó là chủ trương đấu thầu giả rẻ. Khi Luật đấu thầu xuất hiện quy định ưu tiên giá rẻ đã tạo cơ sở pháp lý cho chủ đầu tư chọn nhà thầu giá rẻ. Thực thế các dự án xây lắp chủ yếu đấu thầu giá rẻ”, ông Thụ cho biết.
Theo ông Thụ, nhà thầu Trung Quốc thì giá rẻ thật song khi thực hiện thì họ đâu có làm theo cam kết trong hợp đồng? Họ tìm đủ cách thay đổi vật tư, thiết kế ép tăng giá, trong khi chúng ta lại không có công cụ cơ chế để xử lý.
“Khi đã là chủ thầu thì họ lại đương nhiên có quyền cung cấp lựa chọn thiết bị vật tư, cả lao động... trong khi chúng ta lại không có quy định cơ chế nào cho nhà thầu phải thực hiện quy định về nội địa hóa”, ông Thụ nêu bất cập.
Theo lãnh đạo VAMI, cần phải thay đổi ngay cơ chế này, nếu không không chỉ doanh nghiệp thiệt hại, hàng ngàn tỷ đồng tiền vốn đầu tư cũng thất thoát. Chưa kể những công trình trọng điểm, theo ông Thụ, hàng loạt hệ thống nhà máy xi măng nhập đồng bộ công nghệ thiết bị từ nhà thầu Trung Quốc cũng đang “chết dở”.
Ông Thụ cho biết: “Hôm 20/5 vừa rồi chúng tôi đã phải có cuộc họp với Hội vật liệu xây dựng, lãnh đạo nhà máy để đưa ra nghị quyết nội địa hóa thiết bị vật tư nhà máy xi măng. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Xây dựng, trong số 40 dây chuyền nhà máy xi măng sử dụng đồng bộ công nghệ Trung Quốc.
Theo tính toán, chi phí trung bình mỗi thăm dành để mua sắm thiết bị thay thế sửa chữa tươg đương 465-590 tỷ đồng/năm, chưa tính thiết bị phụ, công sửa chữa. Nếu không kiến nghị nội địa hóa thì số tiền chi nhập thiết bị thay thế còn tiếp tục ngốn thêm khoản không nhỏ. Anh em nhà máy họ kêu lắm, chạy được thời gian lại hỏng, không biết kêu ai...”.
Trao đối với báo chí trước đây, lãnh đạo VAMI cũng khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. “Hơn 15 năm và 20 năm trước đây, chúng tôi đã làm được với sản lượng cho nhà máy nhiệt điện với 40% cơ cấu thép. Hiện nay, chúng ta xây dựng cơ chế mời thầu, giao tổng thầu, thế là chúng ta không có việc”, ông Thụ kiến nghị: Chúng tôi không cần gì, chỉ cần thị trường!
Theo Mạnh Nguyễn
BizLIVE