Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể làm thay đổi cuộc chơi mà còn là tác nhân của thể chế hiện nay khi có tới 75% doanh nghiệp cho biết tự nguyện mang quà biếu cơ quan Nhà nước để bôi trơn.
Tiềm năng vận tải ven biển: Vẫn còn đó những thách thức
- Cập nhật : 01/06/2016
(Tin kinh te)
Việt Nam bờ biển dài hơn 3000km trải từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với tiềm năng về vận tải ven biển là rất lớn. Hiện đội tàu vận tải ven biển của Việt Nam có trên 700 tàu với lượng trọng tải vận chuyển tương đương 176.000 xe vận tải nặng.
Giảm áp lực cho hệ thống vận tải đường bộ đang quá tải
Tháng 7/2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức triển khai tuyến vận tải ven biển kéo dài suốt chiều dài đất nước, từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang. Sau gần 2 năm triển khai, tuyến vận tải này đã mang lại những hiệu quả tích cực trong vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đang quá tải.
Chỉ tính riêng năm 2015, các cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ hàng hải đã làm thủ tục cho gần 7.000 lượt phương tiện mang cấp tàu VR-SB vào - rời bến thủy nội địa và cảng biển với hơn 6 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển, tương đương hơn 200.000 xe tải loại 30 tấn. Sau 1 năm triển khai, toàn tuyến chỉ xảy ra 5 vụ tai nạn, trong đó có 1 trường hợp tàu bị đắm, còn lại bị mắc cạn và gặp sự cố.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, thực tế thời gian qua có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu vận tải hàng hóa giữa các phương thức, ảnh hưởng xấu đến thị trường vận tải, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Việc trên 70% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ đã khiến phí vận chuyển cao. Thực tế, cước vận tải đường bộ cao gấp nhiều lần, cá biệt có những mặt hàng cao hơn 10 lần so với vận tải bằng đường biển tuyến Bắc Nam. Cùng với việc "quá tải", mật độ lưu lượng giao thông, tình trạng sử dụng các phương tiện chở quá tải đã làm mất an toàn giao thông, gây hư hỏng, giảm tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách nghiêm trọng".
Hiện các mặt hàng chủ yếu được chuyên chở bằng tàu mang cấp VR-SB đi từ các cảng phía Bắc vào miền Trung là than các loại, thiết bị, máy móc... và ngược lại là các loại đất, đá, quặng.
Còn tuyến ven biển phía Nam các loại hàng bách hoá, đa dạng hơn và cũng có một số tàu tham gia vận chuyển khách du lịch nhưng rất ít chuyến.
Vẫn còn nhiều vướng mắc để phát huy tiềm năng vận tải ven biển
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc phát triển “nóng” đội tàu vận tải ven biển trong khi hàng hoá còn hạn chế, đặc biệt là hàng từ miền Nam, miền Trung ra phía Bắc đã tạo nên sự khó khăn cho việc khai thác hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp vận tải ven biển.
Cũng theo Bộ GTVT, qua thực tế triển khai phương án kéo dài tuyến vận tải ven biển đã có những hiệu quả bước đầu nhưng cũng đã bộc lộ một số bất cập như: Hiện nay, công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tàu VR-SB còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các thông tin liên lạc với tàu, chủ tàu; thiếu thông tin để điều động, hướng dẫn tàu thuyền ra vào luồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải.
Thêm vào đó, để có cơ sở thực hiện việc tính các loại phí, lệ phí thì người làm thủ tục khai báo một số thông tin cần thiết để làm căn cứ quản lý và thực hiện việc tính phí, lệ phí hàng hải (như thời gian đến vùng neo, tổng dung tích…) trong khi đó, thông tin trên giấy phép rời cảng là chưa đủ căn cứ để thực hiện việc tính phí.
Ngoài ra, các thuyền viên tàu VR-SB cũng chưa chú trọng học tập lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển. Còn các chủ tàu cũng chưa thực sự quan tâm, bố trí thuyền viên đáp ứng đủ các yêu cầu trong mỗi ca làm việc trên tàu...
Mặt khác, khi xảy ra sự cố, tai nạn trên biển đối với tàu VR-SB, chưa có quy định cụ thể thuyền trưởng phải thực hiện báo cáo cho Cảng vụ hàng hải khu vực, việc xác nhận việc trình báo của thuyền trưởng chỉ quy định báo cáo Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy, Ủy ban nhân dân gần nhất
Đồng thời, hoạt động của các tàu VR-SB trên tuyến ven biển ngày càng phát triển, số lượng tàu ngày càng gia tăng, các tàu được đóng mới có trọng tải lớn, cơ sở hạ tầng của cảng, bến như: cầu bến; kho bãi; thiết bị bốc xếp trong khi đó hệ thống hạ tầng kết nối, tuyến luồng còn bị hạn chế, đầu tư quy mô chưa đáp ứng nhu cầu vận tải.
Trên thực tế, một số vùng chưa có khu vực cho tàu neo đậu tránh trú bão hoặc khu tránh, trú bão chưa đáp ứng được số lượng cho các tàu neo đậu. Sự phối hợp thông tin về hoạt động vận tải, tìm kiếm cứu nạn giữa các cơ quan đơn vị cơ sở của Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chưa được cập nhật thường xuyên.
Phát triển mạnh nhưng vẫn phải quy hoạch, quản lý chặt:
Nhằm tránh tình trạng mất cân đối giữa việc phát triển đội tàu và nguồn hàng vận chuyên, cần có quy hoạch về đầu tư số lượng phương tiện để phù hợp với nhu cầu hàng hoá trên từng tuyến.
Để phát huy hiệu quả tuyến vận tải ven biển thì Bộ GTVT cho biết cần tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hướng dẫn Luật đường thủy nội địa, Bộ luật hàng hải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu thuyền viên điều khiển phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển đi đúng tuyến được Bộ Giao thông vận tải công bố; đưa phương tiện ra, vào các cảng, bến đã được công bố hoặc cấp giấy phép hoạt động; thường xuyên cập nhật, thời tiết, khí tượng thủy văn để trách khu vực có thời tiết xấu.
Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cảng vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện, thuyền viên tàu mang cấp VR-SB, thường xuyên hướng dẫn để thuyền viên nắm được các quy định về an toàn khi hoạt động trên tuyến vận tải ven biển.
Huyền Phạm
(Thời báo Ngân hàng)