Hiệu quả thu hút đầu tư vào Hậu Giang trong 14 năm qua
“Sóng ngầm” sở hữu chéo
- Cập nhật : 04/06/2016
Sở hữu chéo vẫn là những con “sóng ngầm” âm ỉ trong công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ảnh: S.T
Lòng vòng sở hữu
Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của NHNN ban hành vào đầu năm 2015, một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó; NHTM nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con hoặc được NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác, nắm giữ trên 5% vốn cổ phần phải tính đến việc thoái vốn trong một năm kể từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 1-2-2015. Nghĩa là, đến thời điểm hiện tại, lộ trình thực hiện của các NHTM đã bị quá hạn tới hơn 4 tháng nhưng kết quả thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn.
Đơn cử như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng hiện đang nắm giữ vốn cổ phần tại nhiều TCTD nhất với 4 NHTM và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang có tỷ lệ vốn góp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là 8,19%; tại Saigonbank là 4,3%; tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là 9,59%; tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 5,07% và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC).
Như vậy, theo đúng quy định, Vietcombank phải lựa chọn chỉ giữ lại 2 TCTD và phải thoái vốn về dưới 5%. Tuy nhiên, thời hạn đã hết mà động thái của ngân hàng này vẫn đang dừng ở mức “nghiên cứu” và trình phương án.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) thông báo về việc thoái vốn cổ phần đầu tư tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) thông qua đấu giá. Theo đó, VietinBank sẽ chào bán đấu giá 16,875 triệu cổ phần, tương ứng 5,48% vốn điều lệ Saigonbank để giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,39% xuống 4,91% (15,122 triệu cổ phần). Theo VietinBank, quyết định thoái vốn là để đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 36.
Có thể thấy, với trường hợp của Saigonbank, ngân hàng này có đến 2 “đại gia” nâng đỡ là VietinBank và Vietcombank.
Nhìn chung, nhóm các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đều đang sở hữu các TCTD khác. Bên cạnh đó, nhiều NHTM có quy mô nhỏ hơn, có cổ phần của các “ông lớn” nhưng cũng đang nắm giữ khá nhiều cổ phần tại các TCTD khác. Ví dụ như Eximbank có vốn cổ phần của Vietcombank nhưng lại đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…
Không chỉ vậy theo các chuyên gia về tài chính ngân hàng, những cặp sở hữu có thể nhìn thấy được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, đây được xem là câu chuyện nhạy cảm nên những người ngoài cuộc khó có thể biết tới, biết hết. Hơn nữa, theo lý thuyết, sở hữu chéo có nhiều hình thức, có sự “lắt léo” và chồng chéo khiến việc xử lý triệt để vấn đề này đã khó lại càng thêm khó.
Cho rằng những cặp “ẩn mình” còn nhiều hơn những cặp sở hữu đã lộ ra ngoài ánh sáng, tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Chủ tịch Công ty luật BASICO cho hay, nhiều cặp không lộ rõ nhưng nếu đã có những chỉ tiêu an toàn, có những giới hạn, hạn chế nhất định thì cũng không có gì ghê gớm hay nghiêm trọng và thị trường có thể chấp nhận được những con số đấy. Vấn đề là nếu lộ mình ra, những con số đấy có thật sự như thế hay không, hay lại được “ẩn mình” dưới những tầng lớp khác nữa(?)
Khó trong xử lý
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, sở hữu chéo luôn có tác động hai mặt đối với nền kinh tế và với bản thân chủ thể các ngân hàng, doanh nghiệp. Nó có thể góp phần cải thiện năng lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, thúc đẩy quản trị kinh doanh tốt hơn, mở rộng quy mô thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sở hữu chéo gây nhiều hệ lụy khôn lường cả vi mô và vĩ mô, nhất là khi sở hữu chéo bị lạm dụng để phục vụ lợi ích nhóm hay để che giấu tình trạng “ọp ẹp” về tài chính của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan.
Với những tác động như thế, trong nhiều năm qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý các hình thức sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu vốn giữa các TCTD. Nhưng như trên đã nói, các công việc này đến nay vẫn còn ngổn ngang tứ bề bởi nguyên nhân đến từ bản thân các NHTM, các TCTD cũng như đến từ chính cơ quan quản lý.
Về vấn đề này, theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc thực hiện chậm chạp, chưa triệt để chủ yếu vẫn đến từ các cơ quan quản lý, các văn bản nêu ra quy định nhưng không rõ lộ trình và không kiên quyết đưa ra các biện pháp xử lý nếu các TCTD vi phạm không thực hiện theo đúng thời hạn đã nêu. Tuy nhiên, về phía các NHTM và TCTD, việc thoái vốn cũng đang gặp khó khi giá cổ phiếu ngân hàng xuống thấp chưa từng có nên ngân hàng khó bán, mặt khác, giá thấp như vậy nên các ngân hàng cũng “chần chừ” vì không muốn “thiệt thòi” cho các cổ đông khi giao dịch chuyển nhượng.
Tuy nhiên, dù khó khăn vẫn còn nhiều nhưng ông Đức cho rằng, việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu giữa các NHTM với TCTD khác sớm hay muộn cũng sẽ và phải được thực hiện. Bởi những cặp sở hữu càng để lâu sẽ càng khiến giá cổ phiếu xuống nữa, các ngân hàng càng khó bán. Nhất là khi những cặp sở hữu chéo “ẩn” bị đưa ra ánh sáng, cổ đông sẽ càng ngại mua. Họ không còn coi đây là những ngân hàng đại chúng thật sự nữa mà lại là ngân hàng của một nhóm, một tổ chức. Vì yêu cầu về tính chất hoạt động của một ngân hàng chuyên nghiệp trong bối cảnh hiện nay phải là không cổ đông nào nắm vai trò chính, không được quyền chi phối, thâu tóm hoạt động của ngân hàng đó.
Trên thực tế, bên cạnh các quy định về xử lý sở hữu chéo chưa được thực hiện theo đúng lộ trình, NHNN vẫn có những hành động để giám sát, kiểm soát vấn đề sở hữu của các TCTD, để không lọt chuyện cấp tín dụng cho các công ty “sân sau”, cho vay, đầu tư lẫn nhau… Không những thế, nhiều NHTM còn tự đề xuất với NHNN để xin gia hạn và xử lý các phần vốn góp tại các TCTD khác.
Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Trương Thanh Đức cho rằng, luật pháp và các cơ quan quản lý cần phải dứt khoát hơn, luật không thể tự gia hạn mà chỉ có thị trường khó khăn thì các NHTM và TCTD tự gia hạn với nhau. Tuy nhiên, sự công khai, minh bạch trong việc công bố các tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ sở hữu vẫn là quan trọng nhất, bởi hiện nay, nhiều thông tin về ai sở hữu ai vẫn chưa được chính thống, nhiều khi chỉ là phỏng đoán của các chuyên gia. Vì thế, việc công khai ra sẽ giúp ngân hàng trở thành công ty đại chúng, gia tăng giá cổ phiếu, hơn nữa, đây cũng như hình thức kê khai, giám sát tài sản để cơ quan quản lý, NHNN có những biện pháp xử lý kịp thời.
Nhìn chung, sở hữu chéo là một câu chuyện dài chưa có hồi kết, vẫn là những con “sóng ngầm” âm ỉ trong công cuộc tái cơ cấu và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng hiện nay. Thực tế đã ghi nhận cả những thành công và thất bại, nhưng đây cũng là động lực để thị trường có niềm tin hơn vào hành động của các NHTM cũng như sự quyết liệt của NHNN trong việc xử lý sở hữu chéo, giám sát an toàn hệ thống. Tất nhiên, những vấn đề này cần có lộ trình dài và bước đi vững chắc, nếu “quá nhanh” sẽ có nguy cơ trở thành “quá nguy hiểm”.
Bình Nam
Báo Hải Quan