5 năm qua có thể được xem là bước sàng lọc nghiệt ngã với nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam...
17 bộ, ngành cấp tập “nâng cấp” thông tư lên nghị định
- Cập nhật : 03/06/2016
(Kinh te)
Các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1/7/2016 nếu không được nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ. Hiện một số nghị định đã được ban hành, các nghị định còn lại đang được bộ, ngành gấp rút, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi trình Chính phủ.
Vừa qua, tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu từ 1/7/2016 phải bỏ hết các quy định cũ trái với tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua.
Thông báo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều qua (2/6), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định rằng, không phải bây giờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới quan tâm chỉ đạo việc thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, ngay sau khi 2 Luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác thi hành luật, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành 2 Luật này. Do vậy, đến nay, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm thi hành 2 Luật kể từ ngày 1/7/2015.
Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và hoàn thành trước ngày 1/7/2016 là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1/7/2015 không phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư. Từ đó, xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi các điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế các văn bản này theo đúng thẩm quyền.
Ông Dũng cho rằng, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán, đồng bộ những cải cách của 2 Luật này, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, gây rủi ro, đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Với mục đích đó, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan theo lĩnh vực được phân công quản lý, rà soát các Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ ban hành trước ngày 1/7/2016, bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư.
"Đây là hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp" - ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, theo thông tin được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cung cấp thi hiện có khoảng 7000 điều kiện kinh doanh trong các văn bản dưới nghị định. Một nửa trong số đó phải được vô hiệu hóa để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1/7/2016, nếu không được nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, 17 bộ, ngành quản lý về điều kiện kinh doanh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo các văn bản, phối hợp, tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình dự thảo văn bản. Hiện tại, một số nghị định đã được ban hành, các nghị định còn lại đang được gấp rút, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi trình Chính phủ.
"Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu và xử lý kịp thời các vướng mắc, tập trung nhân lực, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định, thẩm tra, chú trọng bảo đảm chất lượng văn bản. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã chủ động, thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các bộ để giải quyết những khó khăn vướng mắc và các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cùng các bộ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên", ông Dũng cho hay.
Đồng thời, người phát ngôn của Chính phủ cũng cho rằng, với tiến độ như hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ được ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.