Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục hướng về.
Không chủ quan với diễn biến lạm phát
- Cập nhật : 02/06/2016
(Tin kinh te)
Mặc dù đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN nhấn mạnh chính sách điều hành không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Thúc đẩy tăng trưởng nhưng không buông lơ lạm phát
Mặc dù hoạt động kinh doanh của NH vẫn chưa hết một nửa chặng đường nhưng để lường đón thách thức đồng thời thực hiện quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho DN… Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.
Trong những tháng cuối năm 2016, NHNN kiên định với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh như yêu cầu các NH chủ động cân đối nguồn vốn, rà soát khả năng tài chính… có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khả năng NH có thể giảm lãi suất cho vay là khả thi. Ông Nghĩa phân tích: Gần đây, lợi suất TPCP với lãi suất liên NH đều giảm là những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm lãi suất trong ngắn hạn có thể thực hiện được. Còn theo TS. Võ Trí Thành, với những công cụ như nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn… NHNN có thể hỗ trợ hiệu quả các NH giảm chi phí đầu vào, theo đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Ví dụ với công cụ tái cấp vốn, tùy từng thời điểm, có thể NHNN sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn xuống thấp hơn một chút khi các NH cần nguồn vốn rẻ hơn đưa ra thị trường. Nhưng có thời điểm vốn NH dư dả thì NHNN lại tăng lãi suất lên. Và NHNN thực hiện hút tiền qua việc phát hành tín phiếu NHNN để không tạo áp lực lên cung tiền. Đây là những công cụ NHNN đã thực hiện khá thành công trong thời gian vừa qua.
Về phía các TCTD ngoài tiết giảm chi phí, phải chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật.
Mặt khác, trong thời gian tới, các TCTD phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn như thời gian qua thực hiện khá thành công...
Mặc dù đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN nhấn mạnh chính sách điều hành không chủ quan với diễn biến của lạm phát. Các chuyên gia nhìn nhận yêu cầu này của NHNN rất phù hợp, thể hiện sự thận trọng cần thiết của cơ quan quản lý.
“Xu hướng lạm phát có vẻ đang nhích lên với tốc độ nhanh hơn dự đoán. Những tác động khách quan từ thị trường bên ngoài, những thiên tai địch họa, đặc biệt là giá lương thực thực phẩm, giá dầu có xu hướng tăng…là những nhân tố có thể tác động làm cho lạm phát tăng cao hơn chúng ta mong đợi. Thậm chí báo hiệu về khả năng lạm phát năm sau có thể cao hơn. Đấy là điều chúng ta phải rất cảnh giác trong dài hạn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Cùng chung quan điểm trên, TS. Thành bổ sung thêm những yếu tố có thể tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô: đó là những biến động chính sách tiền tệ trái chiều của Mỹ với EU, Nhật Bản vẫn có thể tạo rủi ro tài chính, sự chuyển hướng dòng vốn. Đấy là chưa nói đến chính sách tài chính của Trung Quốc và các thị trường mới nổi. Trong thế giới đầy bất định rủi ro, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa vững chắc, TS. Thành cho rằng, nếu không có sự cẩn trọng trong điều chỉnh chính sách có thể đoàn tàu kinh tế chệch đường ray.
Quản chặt thanh khoản
Chỉ thị 04 không chỉ nhắc nhở các NH tiết giảm chi phí giảm lãi suất cho vay mà còn hướng NH cho vay hỗ trợ đúng địa chỉ, đảm bảo an toàn, tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Mặt khác, các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS, các dự án BOT, BT giao thông.
Việc giám sát chặt chẽ dòng tiền được đánh giá là rất cần thiết để tránh rủi ro cho NH khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nói như vậy không có nghĩa là NHNN cấm các NH cho vay đối với khách hàng trên. Tổng giám đốc một NHTMCP nhìn nhận và phân tích thêm: theo quy định NHNN, thông lệ quốc tế liên quan đến rủi ro NH tránh cho vay tập trung vào một số nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng dư nợ quá lớn. Bởi trong trường hợp khách hàng đó gặp khó khăn thì rủi ro lớn cho NH. Việc phân tán danh mục đầu tư là nguyên tắc hạn chế rủi ro cho NH.
Việc hạn chế đẩy vốn NH vào các dự án BOT, BT giao thông, theo quan điểm TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội là hoàn toàn đúng.
Ông Kiên cho rằng, việc gần như dựa hoàn toàn vốn của các TCTD để đầu tư vào dự án BOT là không đúng. Chúng ta phải huy động từ các nguồn vốn nhàn rỗi của dân, và NH chỉ là một trong các kênh đó. Bởi vốn NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, còn thời gian cho vay và thu hồi vốn của các dự án giao thông lại dài hạn nên khả năng xảy ra rủi ro cho NH là khá cao.
Song song với việc mở rộng tín dụng, Thống đốc yêu cầu các TCTD tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.
Một trong những yêu cầu được nhấn mạnh tại Chỉ thị 04 đó là các NH chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD. Thời gian gần đây, thanh khoản NH đang khá dư dả nhưng chỉ mang tính chất tạm thời do nhu cầu vốn sản xuất của DN đang chững lại.
Do đó, Thống đốc nhắc nhở các NH không nên chủ quan, tránh rơi vào bẫy thanh khoản. Vì với hệ thống NH quan trọng nhất là thanh khoản. Thực tế bài học về rủi ro thanh khoản đã khiến cho một số NH lao đao trong thời gian qua.
Trước một số động thái chưa thực sự nghiêm túc của các NH trong hoạt động kinh doanh thời gian gần đây, Chỉ thị 04 đã yêu cầu các TCTD chấp hành nghiêm túc các quy định, chỉ đạo của NHNN và các quy định khác của pháp luật về lãi suất huy động và cho vay, phí cho vay, mua bán ngoại tệ, niêm yết tỷ giá và giao dịch trên thị trường ngoại tệ, quản lý ngoại hối... NHNN sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của TCTD nếu để xảy ra vi phạm.
Thanh Huyền
(Thời báo Ngân hàng)