Hành tinh bí ẩn tên Nibiru sẽ hiện rõ trên bầu trời với kích thước như Mặt Trăng trước khi một trận sóng thần chảy cuộn gần 1.200km/giờ xóa sạch sự sống của loài người.
Vì sao các công ty công nghệ Trung Quốc lại có tầm vóc quốc tế?
- Cập nhật : 14/09/2017
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thành thị, sức tiêu dùng tăng lên, và việc người Trung Quốc ngày càng hào hứng với Internet di động là nguyên nhân chính.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thành thị, sức tiêu dùng tăng lên, và việc người Trung Quốc ngày càng hào hứng với Internet di động là nguyên nhân chính.Nguồn ảnh: The Street
Dưới đây là bài viết của Hans Tung, nhà điều hành của GGV Capital, và Zara Zhang, nhà phân tích của GGV Capital. GGV Capital là công ty đầu tư mạo hiểm đang quản lý lượng tài sản trị giá 3,8 tỷ USD, với trụ sở tại thung lũng Silicon và Thượng Hải.
Năm 2003, khi GGV đầu tư vào một dịch vụ thương mại điện tử được thành lập bởi một giáo viên tiếng Anh ở Hàng Châu mang tên Jack Ma, đó là một cú đánh cược khá liều lĩnh. Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc lúc đó chưa được chứng minh tiềm năng, và bất kỳ công ty địa phương nào cũng sẽ phải đối đầu với gã khổng lồ eBay đến từ Mỹ. Chưa bao giờ sợ cạnh tranh với người Mỹ, Jack Ma nói với Forbes vào năm 2005 rằng: "Chúng tôi muốn trở thành website tiêu dùng lớn nhất thế giới".
Điều này nghe có vẻ buồn cười vào thời điểm đó, nhưng bây giờ thì không. Vào ngày 18/8 vừa qua, Alibaba đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới khi mức vốn hóa thị trường của hãng vượt ngưỡng 400 tỷ USD. Tencent, công ty đang sở hữu mạng xã hội WeChat và nhiều trò chơi online, cũng vừa có giá trị vốn hóa vượt mức 400 tỷ USD vào tuần trước. Việc kinh doanh tại Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng những người dám làm dám chịu có thể được tưởng thưởng xứng đáng.
Sự trỗi dậy của Alibaba và Tencent nhắc nhở chúng ta thời thế đã đổi thay như thế nào: các công ty công nghệ lớn nhất thế giới không còn chỉ nằm ở nước Mỹ. Biểu đồ dưới đây cho thấy các công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường cách đây một thập niên và ngày hôm nay:
Top 10 danh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường vào năm 2007 và 2017 (đơn vị tỷ USD). Ảnh: GGV Capital
Giá trị vốn hóa của các công ty Internet ở Trung Quốc tăng phi mã đã cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới thay đổi như thế nào: sự gia tăng của tầng lớp trung lưu thành thị, sức mua tăng vọt, và việc phủ sóng Internet qua điện thoại.
Kể từ khi Trung Quốc thực hiện cải tổ vào năm 1978, những cư dân nông thôn đã đổ xô đi đến các thành phố lớn để tìm cơ hội đổi đời. Hiện tại có tới 57% người Trung Quốc sống ở các đô thị, và 2 trong số 5 thành phố đông dân nhất thế giới là nằm ở Trung Quốc. Đến năm 2030, một tỷ người Trung Quốc sẽ sống ở các đô thị.
Tỷ lệ dân số thành thị (màu đỏ) và nông thôn (màu xanh) ở Trung Quốc. Nguồn: Niên giám Thống kê Trung Quốc
Nhận thức được rằng ngày càng có nhiều người Trung Quốc sống tại các thành phố lớn, GGV Capital đã đầu tư vào một số công ty bán lẻ kiểu mới ở Trung Quốc như Citybox (máy bán hàng thông minh) và Bingobox (cửa hàng tiện lợi không cần nhân viên), cộng thêm các dịch vụ vận tải thông minh như ứng dụng gọi xe Didi Chuxing.
Song song với quá trình đô thị hoá, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng dẫn tới nhiều thay đổi. Người Trung Quốc ngày càng giàu có hơn và có thị hiếu đang trở nên phức tạp hơn. Không còn hài lòng với hàng hoá giá rẻ và đồng nhất, bây giờ họ yêu cầu hàng hóa chất lượng cao và có sự khác biệt. Hành vi mua sắm của họ đã chuyển từ việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu sang việc xây dựng lối sống.
Một cách để hiểu được tầng lớp trung lưu của Trung Quốc hiện nay là hãy nhìn vào các nước láng giềng Đông Á có các nền văn hoá tương tự nhưng đã hiện đại hóa từ trước đó: Nhật Bản và Hàn Quốc. Các ngôi sao nhạc pop Trung Quốc càng ngày càng nhìn giống như những ngôi sao K-Pop, nhiều phụ nữ Trung Quốc cũng say mê các bộ phim truyền hình và mỹ phẩm Hàn Quốc.
Tương tự, các thương hiệu Nhật Bản như Uniqlo và Muji rất phổ biến ở Trung Quốc, KFC hiện đang bán một loại kem bắt nguồn Hokkaido, và ngày càng có nhiều hộ gia đình Trung Quốc đang lắp đặt các phòng vệ sinh kiểu Nhật ở nhà. Việc các xu hướng văn hoá Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên phổ biến cho chúng ta thấy một phần thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc, và từ đó xác định xem những thương hiệu nào có thể thu hút tầng lớp trung lưu tại nước này.
Có một sự thật là hầu như không có cái tên nội địa nào nằm trong nhóm các thương hiệu tiêu dùng được ưa chuộng bởi tầng lớp trung lưu Trung Quốc. So với Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc đã có khởi đầu tương đối muộn trong việc phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đang học nhanh và dần dà bắt kịp. GGV cho rằng sẽ có nhiều tiềm năng cho các thương hiệu Trung Quốc nổi lên trong thập kỷ tới, và chúng ta sẽ thấy nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn, sáng tạo hơn không chỉ sản xuất tại Trung Quốc mà còn được hình thành và thiết kế tại Trung Quốc.
Do đó, bất chấp sự thống trị của các đại gia thương mại điện tử như Amazon và Alibaba, vẫn còn rất nhiều cơ hội thành công cho các thương hiệu và doanh nghiệp mới, đặc biệt là những doanh nghiệp đáp ứng được "3C": cộng đồng, nội dung và khả năng thương mại hóa (community, content, commerce). Đây là lý do GGV đầu tư vào các công ty mới nổi như chuỗi nhà hàng kiêm thương hiệu giày 73 Hours, cũng như các nền tảng thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội như Xiaohongshu và Meili.
Ngoài ra, người Trung Quốc đang truy cập Internet qua các thiết bị di động thậm chí còn nhiều hơn cả người Mỹ. Nếu bạn đến Trung Quốc ngày nay, bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết người dân Trung Quốc "cắm mặt" vào màn hình smartphone còn nhiều hơn cả các thiếu niên Mỹ. Tại các thành phố ở Trung Quốc, WeChat Pay và Alipay được chấp nhận ở khắp mọi nơi, từ các trung tâm mua sắm lộng lẫy đến các hàng ăn bên đường. Ngay cả những người ăn xin cũng trang bị cho mình một chiếc điện thoại di đồng để nhận tiền bằng mã QR.
Một khảo sát gần đây cho thấy 84% người Trung Quốc cho biết họ cảm thấy "thoải mái" khi đi ra đường mà không có tiền mặt. Thị trường thanh toán di động của Trung Quốc có trị giá 790 tỷ USD, cao gần gấp 11 lần so với thị trường Mỹ, theo tính toán của McKinsey.
Hiện tại, thương mại điện tử ở Trung Quốc là một thị trường nghìn tỉ USD, và chiếm khoảng 15% tổng doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc (so với mức 8% ở Mỹ). GGV cho rằng tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tới. Trung Quốc hiện chiếm 42% tổng giá trị bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm 24%.
Với 130 triệu người tiêu dùng Trung Quốc có sử dụng smartphone, sinh sống ở thành thị và thuộc tầng lớp trung lưu, việc đặt cược vào các start-up Internet ở Trung Quốc là điều gần như hiển nhiên.
Số lượng (trái) và tổng giá trị (phải) của các công ty startup trị giá hơn 1 tỷ USD tại Trung Quốc (màu cam) và Mỹ (màu xanh), tính đến tháng 6/2016. Ảnh: GGV Capital
Nhìn về tương lai, GGV cho rằng Trung Quốc đang phát triển từ việc chuyên đi bắt chước sang tự sáng tạo, từ việc tìm cách bắt kịp người khác đến việc vươn lên vị trí dẫn đầu hoặc thậm chí thay đổi cuộc chơi.
Bá Ước biên dịch
Theo Nhipcaudautu.vn