Doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư trên 186 nghìn tỷ đồng vào các dự án hạ tầng giao thông, xây dựng mới, nâng cấp hơn 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 km cầu trong 5 năm qua.
Vẫn lúng túng với 12 dự án thua lỗ
- Cập nhật : 22/04/2017
Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương sẽ trên tinh thần hỗ trợ cơ chế để hoạt động trở lại, nhưng cũng tính đến phương án cho phá sản hoặc bán đối với các dự án không có khả năng hoạt động.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng về tiến độ xử lý các tồn tại, yếu kém ở một số dự án và doanh nghiệp ngành công thương diễn ra ngày 21-4.
“Tang thương nhất là nhiều nhà máy bán sắt vụn, nên tôi đề nghị cần tham mưu Thủ tướng phối hợp các bộ, ngành nhập cuộc nhanh. Cần phải có trách nhiệm với dân
Ông Nguyễn Trọng Thừa (thứ trưởng Bộ Nội vụ)
Chậm do... nhà thầu
Trong tổng số 198 nhiệm vụ đã được Chính phủ giao cho các đơn vị liên quan xử lý 12 dự án nghìn tỉ trước đó, theo rà soát của tổ công tác, có tới 15 nhiệm vụ đã quá thời hạn thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thành, chưa kể 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn còn trong thời hạn.
Theo tổ công tác, phần lớn nhiệm vụ này đều thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các tập đoàn, tổng công ty quản lý các dự án thua lỗ, yếu kém.
Giải trình về các nhiệm vụ chưa hoàn thành, ông Cao Quốc Hưng, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết nhiều nội dung phải xử lý có tính chất phức tạp, như việc làm rõ và xử lý dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc liên quan đến nhà thầu EPC và công tác quyết toán các dự án.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đã hoàn thiện dự thảo phương án xử lý 12 dự án này, sẽ báo cáo Chính phủ để tới đây trình Bộ Chính trị xin ý kiến, xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng - chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp hóa chất VN (Vinachem), đơn vị có 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành - cho biết dù làm việc trực tiếp và đôn đốc nhà thầu, nhưng hiện nay còn vướng nhất là khâu thanh toán, quyết toán với nhà thầu tại các dự án đạm Hà Bắc và DAP 2.
Với lý do khối lượng công việc nhiều, cần phải xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, nhất là hồ sơ quyết toán hợp đồng có nhiều phát sinh, ông Nguyễn Anh Dũng “xin” lùi thời hạn đến ngày 30-6.
Cũng gặp vướng mắc liên quan đến nhà thầu Trung Quốc với dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, ông Nguyễn Đình Phúc, tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN, cho biết đã mời nhà thầu sang làm việc và đàm phán, nhưng mức giá mà nhà thầu đưa ra tăng cao không có căn cứ nên hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
“Do đó, việc có hoàn thành nhiệm vụ được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào nhà thầu, dự kiến cũng phải tới hết quý 2” - ông Phúc cho biết.
Với một số nhà máy do Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) quản lý, ông Ninh Văn Quỳnh - phó tổng giám đốc PVN - cũng cho biết việc chậm quyết toán các dự án do vướng từ nhà thầu.
Đơn cử như dự án nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung vẫn còn một hạng mục về xử lý nước thải nhà thầu chưa thi công, nên khó quyết toán dự án.
“Chúng tôi đã mời kiểm toán độc lập, nghiệm thu các công việc đã hoàn thành và sẽ tiếp tục đàm phán với nhà thầu để đưa ra phương án xử lý” - ông Quỳnh nói.
Ảnh hưởng tiến độ xử lý
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận vướng mắc lớn nhất hiện nay là hợp đồng EPC, với 6/12 dự án và nhà máy gặp vấn đề này.
Quá trình thực hiện dự án đã thay đổi tổng mức đầu tư, thay đổi thiết bị, các giai đoạn, nội dung so với hợp đồng. Tuy nhiên do không có đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan, việc thực hiện không chặt chẽ, thiếu thủ tục nên khi quyết toán đều “có vấn đề”, không thực hiện được.
Dù ghi nhận các đề xuất và cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến, nhưng ông Dũng cũng yêu cầu các bộ và tập đoàn liên quan cần rốt ráo để thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ đặt ra, sớm xử lý dứt điểm các dự án.
“Tổ công tác không có thẩm quyền gia hạn mà chỉ ghi nhận đề nghị, còn tinh thần là các bộ ngành và lãnh đạo phải chỉ đạo quyết liệt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, bày tỏ băn khoăn khi cho rằng việc các tập đoàn, tổng công ty xin gia hạn thực hiện các nhiệm vụ được giao liệu có làm chậm quá trình xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả?
Bởi nếu các dự án không hoàn thành giải quyết vướng mắc với nhà thầu, thanh toán, quyết toán hợp đồng sẽ rất khó để có hướng xử lý cho phù hợp.
Theo ông Tuấn, cần phải rà soát 15 nhiệm vụ quá hạn, tách bạch các nội dung để xử lý. Chẳng hạn với dự án mà việc quyết toán không liên quan đến yếu tố nước ngoài, đề nghị việc xử lý không được quá thời hạn là ngày 30-6. Với các dự án có yếu tố nước ngoài, có thể lùi thời hạn thực hiện đến trước ngày 30-9, nhưng bộ trưởng và chủ tịch tập đoàn phải chịu trách nhiệm về thời hạn thực hiện.
“Nguyên tắc là việc thực hiện các nhiệm vụ trên không được ảnh hưởng đến thời gian trình Bộ Chính trị xin ý kiến về các dự án” - ông Tuấn nói.
NGỌC AN
Theo Tuổi Trẻ