Tại Báo cáo kinh tế Việt Nam Quý 2, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung đã gây một cú sốc bất lợi cho nền kinh tế nói chung và một tổn thất lớn cho khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nói riêng.
Tự tung, tự tác trên khối tài sản nhà nước khổng lồ
- Cập nhật : 26/04/2017
Nắm trong tay khối tài sản nhà nước (TSNN) trị giá hơn 718.000 tỷ đồng trong bối cảnh công tác quản lý TSNN còn lỏng lẻo, nên không ít đơn vị sự nghiệp có điều kiện đang “tự tung, tự tác” với khối tài sản trên, “tranh thủ” cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm tăng nguồn thu.
Rất dễ nhận thấy không ít bảo tàng, nhà văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao, cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm hội nghị... thậm chí cả viện nghiên cứu ở Thủ đô Hà Nội đều tận dụng tối đa diện tích nhà, đất được Nhà nước giao quản lý, sử dụng để cho thuê mở nhà hàng, tiệc cưới, quán cà phê, quán ăn, tập thể hình, dạy thêm... Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khoa học và Công nghệ mỏ luyện kim là những thí dụ.
Đây là thực tế tồn tại cả chục năm nay, bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu có nhu cầu, đều có thể thuê được tài sản do các đơn vị sự nghiệp quản lý để kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm.
Thực tế này có hai mặt. Nếu không cho thuê sẽ dẫn tới tình trạng kém hiệu quả trong sử dụng công sản khi hằng năm, Nhà nước phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để bảo dưỡng, duy tu; không khuyến khích được đơn vị sự nghiệp nâng cao thu nhập cho người lao động. Trong trường hợp để đơn vị sự nghiệp cho thuê, nếu không có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị cho thuê tài sản sai mục đích, không công khai, minh bạch thì tài sản công lại là “con gà đẻ trứng vàng” cho đơn vị được giao quản lý, sử dụng khối tài sản đó.
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSNN và văn bản hiện hành, các cơ quan hành chính, đơn vị lực lượng vụ trang, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính phải sử dụng tài sản được giao đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, hiệu quả và tuyệt đối không được sử dụng TSNN vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.
Hiện có khoảng 1.000/56.000 đơn vị sự nghiệp công được quyền sử dụng tài sản do mình quản lý vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, nhưng phải bảo đảm đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; đúng công năng của tài sản, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Việc cho thuê tài sản phải thực hiện đấu giá đối với gói cho thuê có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên và phải thông báo công khai giá cho thuê trên Trang thông tin taisancong.mof.gov.vn của Bộ Tài chính; cổng thông tin điện tử của các bộ ngành, địa phương, niêm yết tại trụ sở cơ quan, đồng thời gửi cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi.
Căn cứ vào các quy định trên, có thể khẳng định, tuyệt đại đa số đơn vị sự nghiệp đang cho thuê TSNN là vi phạm pháp luật.
Nhà nước không sử dụng tiền thuế của dân xây dựng bảo tàng, trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao, cơ sở giáo dục, đào tạo, trung tâm hội nghị để các đơn vị được giao quản lý, sử dụng đem cho thuê. Trên Trang thông tin taisancong.mof.gov.vn cũng không có bất cứ thông tin nào đăng tải giá cho thuê TSNN có giá trị hợp đồng thuê từ 100 triệu đồng trở lên theo đúng yêu cầu của Bộ Tài chính. Vậy vì sao, nhiều đơn vị sự nghiệp vẫn “tự tung, tự tác” với khối tài sản khổng lồ được Nhà nước giao?
Nguyên nhân sâu xa là do tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản và do công tác quản lý TSNN chưa công khai, minh bạch. Buông lỏng quản lý nên đơn vị sự nghiệp trực thuộc cho thuê tài sản, trụ sở, nhưng nhiều bộ ngành, UBND cấp tỉnh không hay biết hoặc cố ý làm ngơ. Cũng do buông lỏng và thiếu công khai, minh bạch, nên rất nhiều đơn vị sử dụng tài sản vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ, song không bị thu hồi hoặc điều chuyển cho các cơ quan khác thiếu trụ sở hiện phải đi thuê, thậm chí thuê trụ sở của nhà dân để làm việc.
Đất rộng, nhà to, dùng không hết, cấp trên lại không quản lý chặt, tất yếu dẫn tới tình trạng cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết.
Việc có tiếp tục để đơn vị sự nghiệp, cả tự chủ lẫn chưa tự chủ về tài chính, cho thuê TSNN hay không sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, quyết định khi xem xét, thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (thay cho Luật Quản lý, sử dụng TSNN) tại Kỳ họp lần thứ ba, khai mạc vào tháng 5 tới. Khi đó, công tác quản lý sẽ được siết chặt, tình trạng “tự tung, tự tác” với khối tài sản được Nhà nước giao sẽ giảm, TSNN sẽ được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả như mong muốn.
Theo baodautu.vn