Tăng trưởng xanh (TTX) sẽ góp phần làm tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và chính quyền, cộng đồng xã hội. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội nghị "Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đón đầu TPP, nhà đầu tư Đài Loan rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam
- Cập nhật : 10/12/2015
(Kinh te)
Đài Loan xếp thứ 6 trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 103 dự án cấp mới, 51 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 1,11 tỷ USD
Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính riêng 11 tháng năm 2015, Đài Loan xếp thứ 6/57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 103 dự án cấp mới, 51 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 1,11 tỷ USD.
Phân theo ngành, các nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào tổng số 11/21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 67 dự án mới, 43 lượt tăng vốn, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 890,45 triệu USD (chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng có tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 129,89 triệu USD (chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Tiếp theo là một số lĩnh vực khác như hoạt động kinh doanh bất động sản, khai khoáng...
Phân theo hình thức đầu tư, các dự án của Đài Loan chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 88 dự án mới, 48 lượt tăng vốn, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,06 tỷ USD (chiếm tới 95% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Còn lại là các dự án theo các hình thức liên doanh, hợp đồng BOT,BT,BTO và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Phân theo địa phương, trong 11 tháng năm 2015, các dự án đầu tư của Đài Loan phân bổ tại 25/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi), nhưng tương đối tập trung tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai… do các địa phương này có điều kiện thuận lợi về thị trường, các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung đông doanh nghiệp Đài Loan và người Hoa sinh sống.
Tỉnh Bình Dương dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư với 30 dự án mới, 12 lượt tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 427 triệu USD (chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Tỉnh Đồng Nai đứng thứ hai với 241,18 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm (chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Còn lại là những địa phương khác.
Tính riêng trong năm nay, dự án lớn nhất của Đài Loan tại Việt Nam là dự án Nhà máy Công ty TNHH POLYTEX FAR EASTERN (Việt Nam), cấp phép tháng 6/2015 với tổng vốn đầu tư đăng ký 274,2 triệu USD. Dự án hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Bình Dương.