“Việt Nam có thể kéo giá điện xuống thấp, thậm chí là 0 đồng”. Đó là nhận định của GS-TS Andreas Polk, Trường kinh tế và luật Berlin, tại hội thảo “Cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Đức, bài học cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 8-2.
Nếu không tham gia TPP, dệt may Malaysia sẽ thua Việt Nam
- Cập nhật : 09/12/2015
(Kinh te)
Malaysia có thể mất khả năng cạnh tranh về ngành dệt may, điện và điện tử so với Việt Nam cùng các nước có tham gia TPP.
Mới đây, Hãng kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PwC, Mỹ) trong báo cáo nghiên cứu về tác động tiềm năng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với nền kinh tế Malaysia và các ngành kinh tế trọng điểm, nhận định rằng Malaysia đã gặt hái được nhiều thành công khi tham gia TPP.
Tuy nhiên, quốc gia này có thể mất khả năng cạnh tranh về ngành dệt may, điện và điện tử so với các nước tham gia TPP khác như Việt Nam.
PwC chỉ ra rằng, thông qua con đường TPP với lợi ích về tốc độ gia tăng đầu tư nhanh hơn và khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn, kinh tế Malaysia sẽ tăng thêm được 200 tỉ USD trong 9 năm tới.
Ở Malaysia, các ngành công nghiệp chủ yếu xuất khẩu như ô tô, điện, điện tử và dệt may sẽ là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất.
Các doanh nghiệp của người bản địa và các doanh nghiệp nhỏ ở Malaysia sẽ được bảo hộ ở mức độ lớn và cơ chế doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ xây dựng đất nước có thể sẽ thay đổi.
PwC cũng cho biết, Malaysia tham gia TPP sẽ được hưởng lợi lớn về kinh tế, với mức gia tăng GDP từ 107 tỉ USD lên tới 211 tỉ USD, từ năm 2018-2027.
Ngược lại, PwC cũng cho biết, nếu Malaysia không tham gia TPP thì GDP của quốc gia này sẽ giảm từ 9-16 tỉ USD từ năm 2018 đến 2027. Và đầu tư dự kiến giảm từ 7-13 tỉ USD trong cùng giai đoạn.
Bên cạnh đó, các công ty Malaysia sẽ bị giới hạn về khả năng tiếp cận thị trường so với các quốc gia tham gia TPP khác về hàng rào thuế quan. Điều này có thể làm mất khả năng cạnh tranh của Malaysia trong ngành dệt may, điện và điện tử so với các nước tham gia TPP khác như Việt Nam.
PwC cũng nhấn mạnh rằng sau khi tham gia TPP, khối lượng các khoản đầu tư vào Malaysia được dự báo sẽ tăng thêm từ 136 tỉ USD đến 239 tỉ USD từ năm 2018 đến 2027. Trong đó, ngành dệt may sẽ gặt hái được sự gia tăng lớn nhất về đầu tư, sau đó là đến ngành thương mại phân phối và xây dựng. Ngược lại, nếu không tham gia TPP, các khoản đầu tư được dự kiến sẽ giảm từ 7 tỉ USD đến 13 tỉ USD từ năm 2018-2027.
Về nhập khẩu, PwC cho biết tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ở Malaysia sẽ vượt mức tăng trưởng xuất khẩu. Xuất khẩu được dự kiến sẽ tăng 0,54-0,9 điểm phần trăm.
"Nhìn chung, tham gia TPP là phù hợp với mô hình kinh tế mới và tham vọng của Malaysia trong việc hướng tới một nền kinh tế có thu nhập cao", Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định.