Thực hiện tăng trưởng xanh- Nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia
- Cập nhật : 08/06/2018
Tăng trưởng xanh (TTX) sẽ góp phần làm tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và chính quyền, cộng đồng xã hội. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội nghị "Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế. Vì vậy, TTX đang là xu hướng tiếp cận chủ yếu trong sản xuất, dịch vụ nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho các DN và bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Mặt khác, trước bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp, việc tham gia tích cực của DN trong đầu tư các công trình, giải pháp về bảo vệ môi trường sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong TTX, làm giảm áp lực chi ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, thực hiện các điều khoản cam kết về môi trường là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập. Do vậy, khi DN thực hiện trách nhiệm xã hội cũng chính là tạo cơ hội cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện các DN đều nhận thức rõ về xu hướng phát triển gắn với trách nhiệm xã hội bằng nỗ lực đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nước, giảm chi phí nhân công, phí môi trường trong sản xuất, giảm phát thải và sử dụng nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, DN còn tăng cường, chủ động sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giúp giảm phát thải khí nhà kính, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Theo PGS-TS. Lê Xuân Đình - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo - một lợi ích đáng kể giúp các DN giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất trong dài hạn là đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. "Việc này giúp DN cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay" - ông Đình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn của DN hiện nay trong thực hiện TTX là nguồn vốn đầu tư cho các công nghệ, dây chuyền sản xuất. Bởi thực tế, đầu tư cho công nghệ và quy trình sản xuất xanh có giá thành không rẻ, trong khi DN Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn là DN vừa và nhỏ, nguồn lực còn hạn chế. Từ thực tiễn đó, nhiều giải pháp được đưa ra đó là, bên cạnh tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, DN, người lao động về thực hiện trách nhiệm xã hội TTX, việc hoàn thiện thể chế, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện mục tiêu TTX và đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế để DN tiếp cận các sáng kiến, công nghệ mới là hết sức cần thiết.
Thúc đẩy thực hiện mục tiêu TTX, tạo cơ hội cho DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cần có những ưu đãi về nguồn vốn, thủ tục để DN triển khai, đầu tư các dự án công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Nguồn: Hoa Quỳnh/Báo Công thương điện tử