Báo cáo của Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) cho biết Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế đến hết năm 2015 đạt 44,9 tỷ USD.
Tham gia TPP: 60% dân số sống bằng nghề chăn nuôi sẽ bị tổn thương
- Cập nhật : 20/10/2015
(Thuong mai)
Vốn vay trong chăn nuôi gấp 6-7 lần vốn chủ sở hữu trong khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức độ cao, trung bình 7%/năm đối với ngành chăn nuôi hiện nay vẫn một thách thức.
Chia sẻ tại hội thảo “Tác động của TPP và hội nhập đối với ngành chăn nuôi Việt Nam” sáng ngày 16/10, ông Lê Bá Lịch – Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ nông nghiệp với khoảng 55-58 triệu người, chiếm 60 - 63% dân số năm 2014.
Trong số đó có 4 triệu hộ nuôi heo; 7,9 triệu hộ nuôi gà; 2,7 triệu hộ nuôi vịt; 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt; 1,6 triệu hộ nuôi trâu và gần 24.000 hộ nuôi bò sữa.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2013 nước ta có 9.206 trang trại chăn nuôi, nhưng có tới 90-95% trong đó là trang trại quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vốn tự có mỏng, có 1 đồng thì đi vay 4 - 5 đồng để sản xuất kinh doanh là phổ biến.
“Vốn vay trong chăn nuôi gấp 6-7 lần vốn chủ sở hữu trong khi lãi suất ngân hàng dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức độ cao. Lãi suất 7%/năm hiện nay vẫn một thách thức đối với người chăn nuôi” – ông Lịch chia sẻ.
Theo ông Lịch, đặc điểm của đầu tư chăn nuôi là đầu tư vốn lớn, quay vòng vốn chậm, lợi nhuận thấp, rủi ro cao do dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh… và cạnh tranh về giá gay gắt.
“Cái mà người chăn nuôi lo lắng hơn cả là rủi ro giá bán xuống thấp hơn giá thành và duy trì trong một thời gian dài, không ai tháo gỡ cho người dân. Dân mất vốn, không có khả năng thanh toán nợ” -Vị đại diện Hiệp hội thức ăn chăn nuôi lo lắng.
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho rằng, thu hút đầu tư trong ngành chăn nuôi hiện nay đang dập khuôn, chỉ đạo đưa giống lên hàng đầu. Trong chăn nuôi, quan trọng nhất phải là nguồn thức ăn tốt, kiểm soát dịch bệnh tốt; sau đó mới đến giống tốt, quản lý tốt…
Ngoài ra, do nhận thức về việc chấp hành luật lệ thú y, quy định sử dụng chất cấm, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi của người dân và doanh nghiệp còn yếu kém.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vượt giá trị xuất khẩu gạo
Ông Lịch cho biết, theo số liệu thống kê năm 2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 7 triệu tấn với giá trị đạt hơn 3 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên tới 4,8 tỷ USD; vượt giá trị xuất khẩu gạo.
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến, khối lượng nguyên liệu nhập khẩu theo tỷ lệ là 60% nhập khẩu và 40% tự túc. Tuy nhiên cho đến nay, trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp vẫn chưa thấy cơ cấu cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong quỹ đất canh tác nông nghiệp.
Do không chủ động về thức ăn chăn nuôi nên ngành chăn nuôi Việt Nam chịu nhiều rủi ro như sự không ổn định tỷ giá, ngoại tế; rủi ro giá cả thế giới nên xuống thất thường…
Theo ông Lịch, ngành chăn nuôi Việt Nam có thế mạnh là các sản phẩm nội địa như thịt, trứng, sữa tươi nóng tại chỗ; nuôi trong nông hộ nên giá thành thấp hơn. Song mặt yếu của sản phẩm chăn nuôi nội địa là còn sử dụng chất cấm, chất kháng sinh; quá ít trang trại quy mô lớn; Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích trang trại chăn nuôi xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, vị đại diện Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam đề xuất, Nhà nước phải chuyển biến nhận thức đối với phát triển ngành chăn nuôi, phải thấy rõ khi hội nhập thì 60% dân số sống bằng nghề chăn nuôi sẽ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, cần giành quỹ đất trồng cây thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; đổi mới phương pháp khuyến nông , xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành chăn nuôi…