Trong bối cảnh Việt Nam trở thành thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN và nhiều hiệp định thương mại lớn, nguy cơ tụt hậu, không thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp càng lộ rõ.
Ông Lê Mạnh Hà: 'Thoái vốn Vinamilk, FPT không phải vì ngân sách khó'
- Cập nhật : 18/10/2015
(Tin kinh te)
Đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới & phát triển doanh nghiệp khẳng định chủ trương thoái vốn đã được xác định từ lâu, tiền thu được cũng không dùng để chi thường xuyên.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trao đổi với VnExpressvề chủ trương cho phép Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn hoàn toàn khỏi 10 doanh nghiệp lớn. Ông Hà hiện đảm nhận vai trò Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới & Phát triển doanh nghiệp.
- Lý do phải thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn và kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, FPT, Bảo Minh là gì thưa ông?
- Nếu theo dõi quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước sẽ thấy Quyết định 37 ngày 18/6/2014 của Thủ tướng đã ban hành tiêu chí, danh mục những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ vốn.
10 doanh nghiệp nêu tại yêu giữa tuần trước như FPT, Vinamilk, Bảo Minh… không nằm trong danh mục này, nên phải thực hiện thoái vốn. Nói đúng hơn là họ được thoái vốn Nhà nước.
Căn cứ vào quyết định 37 thì các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải rà soát, phân loại, bổ sung phương án sắp xếp và trình Thủ tướng trong quý IV/2014. Như vậy, danh sách thoái vốn đúng ra phải có từ cuối năm ngoái. Nhưng đến nay còn không ít đơn vị chưa trình Thủ tướng danh sách này.
Tôi muốn nhắc lại là chủ trương thoái vốn Nhà nước khỏi các ngành nghề này đã có từ trước, không phải là mới.
- Chủ trương không mới song việc đẩy nhanh quá trình này trong bối cảnh nhiều nguồn thu ngân sách gặp khó đã gây nhiều thắc mắc về việc Nhà nước cần nguồn lực để bù hụt thu. Ông nghĩ sao?
- Việc thoái vốn là chủ động, có chủ trương, có danh mục và lộ trình thực hiện, chứ hoàn toàn không phải do khó khăn về ngân sách. Tiền thu được từ bán vốn, cổ phần hóa sẽ được hòa vào một quỹ chung và chi có mục đích. Không có chuyện ngân sách lấy tiền từ quỹ này để chi thường xuyên.
- Đâu là tiêu chí được Chính phủ đưa ra để chọn thoái vốn tại 10 doanh nghiệp này, còn nắm giữ ở 9 đơn vị khác?
- 10 cái tên nêu trên là các doanh nghiệp đơpch bổ sung vào danh sách thoái vốn theo đúng tiêu chí của Quyết định 37. Các đơn vị sẽ căn cứ vào tiêu chí nêu trong quyết định để bổ sung, điều chỉnh phương án sắp xếp và trình Thủ tướng phê duyệt.
Để ra được danh sách này, các bộ ngành đã trao đổi ý kiến nhiều lần, trong thời gian gần nửa năm. Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo cụ thể để có được danh sách 9 doanh nghiệp SCIC nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn. Nói là dài hạn nhưng cũng chỉ đến năm 2020 mà thôi. 10 doanh nghiệp trên thì phải thoái vốn sớm hơn.
- Vậy lộ trình cụ thể của việc thoái vốn "sớm hơn" ở 10 đơn vị nói trên là như thế nào, thưa ông?
- Quyết định 37 giao các đơn vị xây dựng lộ trình và tổ chức bán vốn tại các công ty cổ phần. Giao chủ động như vậy là hoàn toàn đúng. Đối với 10 công ty này, SCIC sẽ chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước nhằm đạt lợi ích cao nhất. Việc “rút lui” sẽ có trật tự, không nóng vội, không rút bằng mọi giá để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước cũng như thị trường.
Chí Hiếu
Theo Vnexpress