Nhập siêu giảm mạnh được nhìn nhận là do có sự đóng góp lớn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà điển hình là Công ty Samsung.
Nợ Chính phủ vượt trần, thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ
- Cập nhật : 21/03/2016
(Kinh te)
Các khoản chi thường xuyên đang tăng nhanh trong khi chi đầu tư giảm mạnh, nguồn thu ngân sách Nhà nước hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ.
Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 – 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cùng với sự phục hồi của nền kinh tế kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm đều vượt dự toán Quốc hội đề ra.
Theo đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí bình quân khoảng 20-21% GDP, trong khi Nghị quyết của Quốc hội là không vượt quá 22-23% GDP. Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước: giai đoạn 2006-2010 là 59% và giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 68%, trong đó năm 2015 đạt khoảng 74,2%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%.
Tuy nhiên, tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần. Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn và ngày càng tăng cao, hiện ở mức 64 – 65% trong khi chi đầu tư giảm còn khoảng 23,6%.
Báo cáo đánh giá, cân đối ngân sách giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do tác động không thuận từ kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Trong khi nhu cầu chi tăng lớn, dẫn đến bội chi ngân sách cao hơn mức Quốc hội cho phép (năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,69% GDP, năm 2015 khoảng 6,1% GDP).
Báo cáo được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày thì thẳng thắn nhìn nhận: Chi thường xuyên tăng nhanh; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ thì nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.
Trong báo cáo chi tiết gửi các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ: Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản. Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp.
Theo Chính phủ, mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới là GDP tăng 6,5 – 7%/năm, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP.
Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.