Theo Ngân hàng Deutsche Bank, rủi ro chính của Việt Nam là việc xuất khẩu của thế giới giảm tốc khiến đồng VND có thể bị mất giá trong thời gian tới, khi các đồng tiền của những đối tác thương mại khác cũng giảm giá.
Đại biểu Quốc hội đề nghị thu lại 3.500 tỷ đồng tiền thuế xăng dầu trả lại cho dân
- Cập nhật : 22/03/2016
(Kinh te)
Cần truy thu lại khoản thuế nhập khẩu xăng dầu vốn đã chảy vào túi doanh nghiệp để nộp lại ngân sách hoặc đưa vào quỹ bình ổn để đảm bảo lợi ích cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần truy trách nhiệm rõ ràng việc ban hành văn bản không phù hợp để DN hưởng lợi và truy thu khoản thuế nhập khẩu xăng dầu.
Thưa ông, thời gian vừa qua cơ quan điều hành giá xăng dầu đã áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu có sự chênh lệch so với cam kết trong ASEAN và Hàn Quốc để DN hưởng lợi. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Khi đã cam kết quốc tế, ký hiệp định với các nước thì phải thực hiện theo những cam kết quốc tế đó. Tuy nhiên, thời gian qua việc tính giá cơ sở của xăng dầu lại được Liên Bộ Tài chính – Công Thương cho phép là tính thuế nhập khẩu theo thị trường. Dẫn đến giá không phù hợp với cam kết, mức giá cao đã mang lại lợi ích giúp cho DN tăng lợi nhuận. Tôi cho đây là vấn đề cần phải xem xét và xử lý hợp lý.
Nhưng trên thực tế thì hiện nay vẫn chưa có Bộ nào đứng ra chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề này. Dư luận yêu cầu cần phải quy trách nhiệm cụ thể đến tập thể, cá nhân liên quan?
Rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước đã có những bất cập thì cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan. Đối với trường hợp này, Chính phủ đã giao cho Liên Bộ để xác định giá xăng dầu cơ sở, và những văn bản quy định được hai Bộ soạn thảo là chưa phù hợp thực tiễn.
Một vấn đề bất cập hiện nay của ta là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ta rất nhiều, dẫn đến có một số văn bản chưa phù hợp với thực tiễn. Nếu không còn phù hợp, thì trách nhiệm chắc chắn thuộc về cơ quan ban hành văn bản. Do đó, cần sớm sửa đổi quy định để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mới đây thì Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 48 về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu, có giảm thuế với dầu nhưng không thuế với xăng. Thế nhưng xăng chiếm tỷ trọng lớn, nên việc vẫn tính thuế như cũ có thể khiến DN “ăn” tiếp trên lưng người dân. Liệu có phải đây chỉ là sự điều chỉnh nửa vời để yên lòng dư luận?
Điều chỉnh thuế đối với xăng dầu phải tính toán toàn diện, căn cứ vào nhiều mục tiêu quản lý Nhà nước. Xăng dầu hiện là nguyên vật lệu thiết yếu ảnh hưởng đến quá nhiều ngành, lĩnh vực nên nếu chỉ điều chỉnh ở góc độ thu ngân sách có thể tăng nhưng lại sẽ tác động tới sản xuất kinh doanh.
Do đó, điều chỉnh như thế nào cần đánh giá tác động của chính sách trên mọi khía cạnh, thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Còn việc điều chỉnh, tôi cho rằng phải có thời gian để thẩm định, và các bộ ngành cần căn cứ vào mục tiêu thực tiễn.
Vậy còn khoản tiền lên tới 3.500 tỷ đồng thu được từ thuế nhập khẩu xăng dầu và chảy vào túi DN khi hoàn thuế, theo ông sẽ xử lý thế nào?
Cần tính toán là rõ cơ sở pháp lý của việc xử lý khoản tiền này. DN kinh doanh xăng dầu đã làm theo quy định và họ không vi phạm trong trường hợp này. Tôi cho rằng nên đưa vào quỹ bình ổn xăng dầu, để người tiêu dùng có lợi.
Rõ ràng với mức chênh lệch từ thuế, đem lại lợi nhuận cao cho DN thì số đó có thể đưa vào quỹ bình ổn, để giúp bình ổn giá xăng dầu, điều hòa mức hợp lý cho tương lai, sẽ có lợi cho người dân hơn là truy thu.
Còn nếu văn bản không phù hợp thì Nhà nước phải đưa ra hình thức xử lý để thu hồi, căn cứ vào văn bản pháp luật, chứ không phải bằng ý muốn chủ quan. Nếu yêu cầu hoàn trả người tiêu dùng thì căn cứ vào đâu để hoàn trả, người mua ở thời điểm nào, mức giá nào, sẽ rất khó.
Do đó, các cơ quan Nhà nước phải tự thanh tra, kiểm tra kiểm toán để làm rõ việc DN xăng dầu hưởng lợi từ cơ chế giá xăng dầu, từ đó có phương án điều tiết lại vào ngân sách hoặc quỹ bình ổn, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và người dân.