tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chính phủ lo ngại GDP bình quân người Việt đang thua xa các nước trong khu vực

  • Cập nhật : 21/03/2016

(Kinh te)

Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên nhưng khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn rất lớn.

pho thu tuong nguyen xuan phucdong su kien: ky hop thu 11, quoc hoi khoa xiii

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trình bày Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tại phiên khai mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm (2011 – 2015) đạt trên 5,9%/năm, trong đó năm 2014 đạt 5,98%, năm 2015 đạt 6,68%, đều vượt mục tiêu đề ra..

Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên khi GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Tuy nhiên, so với 5 năm trước tốc độ tăng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra, khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn lớn.

Khoảng cách xa với các nước trong khu vực

Dẫn chứng từ số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam là 2.052 USD, trong khi khi Singapore là 56.287 USD, Malaysia là 10.830 USD, Thái Lan là 5.561 USD, Indonesia là 3.515 USD.

Đánh giá chung về tình hình kinh tế 2011 – 2015, Phó Thủ tướng cho biết đã cơ bản bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75 năm 2010 xuống còn 0,6% vào năm 2015. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng đô-la, vàng trong giao dịch thanh toán. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận rõ, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỷ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.

Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro. Xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại và gặp nhiều khó khăn, nhập khẩu đang có xu hướng tăng và nhập siêu có nguy cơ tăng trở lại làm ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ.

Mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong 5 năm tới

Chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp, cải thiện còn chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp; công nghệ sản xuất phần lớn còn lạc hậu. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn hạn chế, hệ số sử dụng vốn (ICOR ) còn cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 – 2020, mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, tổng GDP theo giá thực tế 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 30.621-31.487 nghìn tỷ đồng.

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7% và thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn, đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn vốn.

Theo đó, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo giá thực tế dự kiến khoảng 9.744-10.676 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP.

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi trong 5 năm 2016-2020 dự kiến vốn ký kết và giải ngân khoảng 20-25 tỷ USD.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục