Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào quốc gia giàu tiềm năng Timor Leste, từ đó đóng góp một phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và quốc gia này
Nắm 130 tỷ USD tài sản, doanh nghiệp nhà nước vẫn yếu kém!
- Cập nhật : 06/12/2015
(Kinh te)
Có tổng tài sản khoảng 130 tỷ USD, sử dụng tới 70% diện tích đất kinh doanh, hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng, thế nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn thua lỗ, lãi không đáng kể.
Theo đánh giá nêu tại bản báo cáo dẫn đề được Ban chủ tọa Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 công bố sáng nay (2/12), nguồn lực của nền kinh tế đang bị định hướng đến những hoạt động không hiệu quả.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần rất lớn tín dụng doanh nghiệp. Ngoài ra, ước tính, khu vực doanh nghiệp này sử dụng khoảng 70% diện tích đất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DNNN lại hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể.
Báo cáo đánh giá, một trong những nguyên nhân chính là do sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước đối với các yếu tố đầu vào chính và sự can thiệp vào nền kinh tế bằng sở hữu và các biện pháp hành chính.
Hiện nay, tổng vốn nhà nước ở trong các DNNN có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản các DNNN nắm giữ khoảng 130 tỷ USD. Ngoài hơn 800 DNNN chưa cổ phần hóa, Chính phủ đang giữ phần thực chất về quản trị doanh nghiệp.
Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào như năng lượng (xăng dầu, điện...) và đất, điều này đang tạo ra các tín hiệu thị trường sai lệch về chi phí cơ hội của nguồn lực và do đó nhiều quyết định đầu tư không hiệu quả vẫn được thực hiện.
Ở nhiều lĩnh vực khác, DNNN vẫn có vai trò thống lĩnh và có thể dễ dàng bóp nghẹt cạnh tranh, điển hình là trường hợp Vinafood I và Vinafood II ở thị trường xuất khẩu gạo.
Góp ý kiến tại Diễn đàn, Phó Đại sứ Australia, ông Layton Pike khuyến nghị, trong 5 năm tới, Chính phủ nên xây dựng và thực hiện một chiến lược triệt để, toàn diện và minh bạch để dần dần từ bỏ sở hữu DNNN ở những lĩnh vực không cần đầu tư của Nhà nước và chuyển nguồn lực khan hiếm đó sang những lĩnh vực chiến lược như phát triển hạ tầng và cải thiện chất lượng quản trị.
Theo ông Layton Pike, đối với các DNNN Việt Nam thấy cần thiết và quyết định giữ, cần áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại và kỷ luật thị trường, bao gồm cả ngân sách cứng và lựa chọn các nhà điều hành chuyên nghiệp để đảm bảo rằng, các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và có cạnh tranh bình đẳng với khu vực tư nhân.
Liên quan tới nội dung này, bà Victoria Kwakwa cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải thay đổi vai trò của nhà nước từ một nhà sản xuất sang vai trò kiến tạo và quản lý. Cụ thể, Chính phủ cần phải rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết, nhằm tạo khoảng trống cho các doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc.