“Các nhà đầu tư cũng đã nhận ra BOT không còn là miếng bánh ngon dễ ăn, các ngân hàng cũng thấy như vậy nên họ cũng đã bắt đầu bỏ chạy.” ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
EVN được tăng tối đa 20%: Dân nín thở với giá điện?
- Cập nhật : 07/10/2016
(Kinh te)
Cơ chế điều chỉnh giá điện theo dự thảo được Bộ Công Thương đưa ra được xem là nửa vời và chưa theo đúng thị trường khi ngành điện đang tồn tại sự độc quyền.
Bộ Công Thương đưa ra Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Dự thảo) để lấy ý kiến, cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần.
EVN được tự quyết tăng từ 3 - 5%.
Đáng chú ý, trong cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đối với trường hợp giá đầu vào giảm thì Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ được điều chỉnh giảm ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tăng giá điện, với mức tăng từ 3% đến dưới 5% thì EVN sẽ được quyền quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ ở mức tương ứng; mức tăng từ 5% đến dưới 10% thì Bộ Công Thương sẽ quyết định mức tăng và trên 10% là do Chính phủ quyết định.
Như vậy, Dự thảo này đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá bán lẻ điện từ chỗ, EVN không được quyết định mức giá bán lẻ điện bình quân, đến chỗ EVN được chủ động. Tương tự, Bộ Công Thương cũng có thẩm quyền quyết định tăng với biên độ rộng hơn.
Trong văn bản góp ý dự thảo được Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra, với quy định này thì EVN có thể được quyền chủ động quyết định tăng giá đến 20% mỗi năm; còn với Bộ Công Thương thì được quyền quyết định tăng tối đa lên đến 40%.
Theo VCCI đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được cân nhắc xem xét. Cũng bởi, mức độ lạm phát của Việt Nam mặc dù có sự biến động nhưng không năm nào vượt quá 20%, nên việc trao quyền như vậy là khá cao so với mức biến động giá bình thường.
Tuy nhiên, trong một thông tin được Bộ Công Thương đưa ra sáng ngày 6-9 về việc làm rõ cơ chế giá bán lẻ điện bình quân, Bộ này đã khẳng định khi giá bán điện bình quân trong chu kỳ điều chỉnh mới cao hơn từ mức 3% đến 5% giá điện bình quân hiện hành, thì EVN được tăng giá.
Theo Bộ Công Thương, việc EVN được tự quyết tăng 5% giá điện cũng đã được quy định tại Quyết định 24/2011 của Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện đưa ra trước đó. Có nghĩa, giá điện được điều chỉnh tối thiểu là 03 tháng và EVN cũng được quyền tăng khi giá đầu vào tăng 5%
Cần tính toán lại
Trao đổi với chúng tôi, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc cho doanh nghiệp được quyền tự quyết giá trong biên độ 3% đến dưới 5%; Bộ Công Thương thì được quyết từ 5% đến dưới 10% là một cơ chế điều hành lưỡng tính, nửa vời.
“Vì trong nền kinh tế thị trường thì chỉ Nhà nước và thị trường là DN và người tiêu dùng quyết định. Chứ cho mức này DN quyết, mức kia Bộ định thì đó là cơ chế nửa vời và không có nền kinh tế thị trường nào như vậy. Đặc biệt với lĩnh vực có độc quyền nhóm hoặc DN thống lĩnh thì Nhà nước phải quy định, đưa ra giá trần hoặc giá sàn chứ không phải cơ chế như vậy” – ông Long nêu quan điểm.
Bởi đây là thị trường đang tồn tại yếu tố độc quyền, DN thống lĩnh thị trường nên nếu để DN tự điều chỉnh giá, có thể khiến cho DN lợi dụng để tăng liên tiếp. Thực tế, nhìn vào giai đoạn trước khi ban hành Quyết định 24, cũng là thời điểm mà giá điện trong nước được điều chỉnh tăng nhiều nhất.
Cụ thể, năm 2011 – 2012 giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng mỗi năm 2 lần; năm 2013 tăng một lần với 5%. Đó là sự cảnh báo.
Đến cuối năm 2013 khi Quyết định 69/2013 về phương án điều chỉnh giá điện được ban hành thì giá điện “đứng yên” trong năm 2014, chỉ tăng một lần vào tháng 3-2015 và cho đến nay vẫn chưa điều chỉnh.
Theo một chuyên gia kinh tế, biến động giá điện cũng như nhiều mặt hàng khác, là phải có lên có xuống. Vấn đề ai giám sát biến động theo đúng tính thị trường và Nhà nước làm thế nào để quản lý đúng thị trường.
Đồng thời, việc cho EVN và Bộ Công Thương điều chỉnh tăng trong biên độ 10% thì cần phải làm rõ giới hạn tăng cho hợp lý. Bởi không thể độc quyền là vô tận được và Nhà nước phải kiểm soát vấn đề này, tính toán hợp lý xem việc tăng có tác động đến các DN hay không bởi giá điện có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đời sống của người dân.