Ngay trong năm 2017 này, cổ phần tại 24 doanh nghiệp lớn thuộc các Bộ sẽ được thoái một phần hoặc toàn bộ. Hiện trong danh sách thoái vốn này vẫn chưa có tên các ngân hàng có vốn nhà nước.
Đến lượt các "sếp" doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nhận khoán xe công
- Cập nhật : 19/12/2016
(Kinh te)
Sau thành công bước đầu về khoán xe đối với một số chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán xe với doanh nghiệp trong ngành và siết việc dùng xe đưa đón không đúng quy định.
Bộ Tài chính vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tiếp tục sắp xếp, triển khi khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công.
Trước đó, ngày 18/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định 1997 quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính và chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua thời gian áp dụng từ ngày 1/10 đến nay, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Bộ Tài chính đang triển khai mở rộng diện khoán xe công đến các doanh nghiệp trong ngành (Ảnh minh họa: Bích Diệp)
Để tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả việc khoán xe công, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu, các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (như Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - DATC, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam - Vietlott, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM - HSX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - VSD) khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe ô tô và lái xe hiện có, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng tiêu chuẩn, định mức.
Đặc biệt, đối với trường hợp các chức danh không có tiêu chuẩn đưa đón xe công tư nơi ở đến nơi làm việc mà vẫn đang được bố trí sử dụng xe, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, các đơn vị phải chấn chỉnh, thực hiện đúng theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà Bộ Tài chính được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ sở hữu như Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với các chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Việc này được yêu cầu hoàn thành ngay trong tháng 12 này.
Như vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của SCIC và VDB sắp tới được áp dụng cơ chế khoán kinh phí xe công thay vì được đưa đón như trước.
Các nhiệm vụ trên đều phải được hoàn tất và báo cáo Bộ trước ngày 31/12/2016, các đơn vị, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.
Đối với Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mà Bộ Tài chính được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của Chủ sở hữu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng quản trị công ty triển khai việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô với một số chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc (Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT...) và đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp.
Đồng thời, Bảo Việt xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe ô tô và lái xe hiện có đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tiêu chuẩn, định mức.
Đối với các Cục, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Cục Kế hoạch tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, các Cục và Viện Chiến lược và chính sách tài chính khẩn trương xây dựng phươn án, thực hiện điều chuyển xe ô tô và lái xe về quản lý tập trung tại Đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ, báo cáo lãnh đạo Bộ trong tháng 12.
Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (còn lại) được yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe ô tô và lái xe hiện có đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Trước đó, tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/11 đã nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên áp dụng triển khai mạnh mẽ việc khoán xe công với chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương cũng như mở rộng diện khoán.