Lương bình quân năm 2015 của người lao động ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng...
Một năm có thể điều chỉnh giá điện tới 4 lần
- Cập nhật : 18/01/2016
(Kinh te)
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 69/2013 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo dự thảo mới, EVN sẽ được quyền điều chỉnh giá điện ở biên độ thấp hơn một nửa so với hiện hành.
Tuy nhiên, bản dự thảo mới hầu như chỉ bổ sung sự có mặt của Quỹ bình ổn giá điện và hạ thấp biên độ EVN được quyền định giá từ dưới 7% xuống dưới 3%. Nếu giá điện tăng ở mức 5% trở lên đã phải có ý kiến của Thủ tướng.
Theo dự thảo, trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động. Thông số đầu vào sẽ bao gồm các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Điểm khác biệt của dự thảo là giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên (trước đó là 7% theo Quyết định 69) so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng, bằng một nửa so với 6 tháng của quyết định hiện này.
PV Báo Công an nhân dân đã liên hệ đại diện Cục Điều tiết điện lực để tìm hiểu về cơ sở khiến cho biên độ giá và thời gian điều chỉnh giá được cơ quan soạn thảo đề xuất thay đổi, thay vì giữ nguyên như hiện hành. Tuy nhiên, vị này chưa cho biết lý do cụ thể, ngoài việc “cũng có một số ý kiến đề xuất nên để như vậy” và đề nghị “mọi người tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo”.
Trường hợp giá giảm, EVN được giao giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, sau khi báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Trường hợp tăng giá từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra theo đúng quy định. Mức tăng giá này giảm hơn một nửa so với mức 7% đến dưới 10% của quy định hiện hành. Nếu giá tăng trên 5% (trước đó là 10%) hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo cũng quy định rõ trước ngày 1-11 hàng năm, EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Căn cứ kết quả kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm liền kề trước đó theo kết quả báo cáo tài chính đã kiểm toán, tình hình sản xuất kinh doanh điện trong năm của EVN và tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét phương án giá bán điện bình quân. Theo Bộ Công Thương, dự thảo được xây dựng với mục đích điều hành giá điện minh bạch hơn. Tuy nhiên, về thực chất, không có nhiều thay đổi được đưa ra, trừ việc thời hạn được quy định cụ thể hơn.