Sau thành công bước đầu về khoán xe đối với một số chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán xe với doanh nghiệp trong ngành và siết việc dùng xe đưa đón không đúng quy định.
Bộ Công Thương từ chối việc quản lý giá sữa cho trẻ
- Cập nhật : 06/10/2016
(Kinh te)
Theo Bộ Công Thương, Luật giá đã xác định rõ Bộ Tài chính quản lý về giá đối với sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý, trả lời về đề xuất cơ quan này sẽ quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi được Bộ Tài chính đưa ra.
Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương là cơ quan tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Dự thảo cũng quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có trách nhiệm tham mưu, đề xuất trình Chính phủ quyết định hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ này cũng tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ đối với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời, Bộ Công Thương dẫn một loạt quy định pháp luật hiện hành để từ chối quản lý giá sữa.
Bộ này cho rằng Luật giá quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi).
Nghị định 215/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, trong đó có giao Bộ Tài chính quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung, giá cả hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, kê khai giá...
Còn theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn, nhóm hàng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là do Bộ Y tế quản lý.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại...
"Như vậy, Bộ Công Thương chỉ quản lý về phát triển thương mại và thị trường trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, điều tiết lưu thông hàng hóa trong từng thời kỳ...", ông Hải khẳng định.
Để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và thực tế quản lý, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm đầu mối chủ trì, hoặc phối hợp với Bộ Y tế trong việc tiếp nhận văn bản kê khai giá, đăng ký giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá với thực phẩm chức năng và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.