Một bộ phận nhỏ lực lượng đã trực tiếp hoặc gián tiếp bảo kê, tiêu cực hay móc ngoặc, thông đồng với các đối tượng buôn lậu.
Tăng giá điện: Phải công bằng
- Cập nhật : 18/01/2016
(Kinh te)
Dự thảo quy định khi giá điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá hiện hành 3-5% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân tương ứng, thời gian điều chỉnh giá giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng. Việc này có ổn không?
* Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam):
Một năm chỉ nên tăng giá một lần
Về cơ chế mỗi lần tăng giá tối thiểu 3%, theo tôi là hợp lý, bởi giá điện bình quân hiện nay là 1.622 đồng/kWh, tăng 3% chỉ là 48 đồng/kWh. Nếu giá đầu vào tăng dưới mức này, yêu cầu ngành điện giữ là hợp lý, tránh cảm giác tăng liên tục, ngành điện liên tục phải đề nghị tăng nhiều lần, người dân cũng bức xúc.
Về tần suất tính điều chỉnh giá, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là ba tháng, theo tôi là hơi dày. Giá điện nếu thấp hơn giá thành thì đồng ý phải tăng, vì nếu không sẽ thiếu điện.
Không doanh nghiệp nào cứ sống được nếu lỗ mãi, nhưng theo tôi, một năm nên tính toán điều chỉnh 1-2 lần. Cần quan tâm đến tâm lý người dân, mỗi lần nghe tăng giá điện là rất sợ. Hơn nữa, giá điện tăng, yếu tố tác động tâm lý khiến một số mặt hàng khác có thể tăng giá cũng cần tính tới.
Vì vậy, có thể một năm tăng chỉ một lần nhưng tăng 6-7% cũng được, thay vì tăng hai lần, mỗi lần 3%, nghe phản cảm.
* Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):
Giảm bộ máy để giảm giá thành điện
Có cơ chế điều chỉnh giá điện là tốt nhưng phải tiến tới giá điện ở VN không chỉ có tăng mà còn có khả năng giảm. Hiện nay, khoa học - công nghệ phát triển nhưng người đi thu tiền điện mỗi tháng vẫn khá nhiều.
Tại sao không khuyến khích rồi tới chỗ chuyển hẳn sang thanh toán qua mạng, hoặc tìm cách hợp đồng thuê người thu tiền cước viễn thông thu luôn tiền điện? Giảm được nhân công, chi phí thu tiền điện hằng tháng chắc chắn sẽ giúp giảm giá thành.
Ngành điện cũng nên tăng cổ phần hóa, từ đó đổi mới quản trị. Cần đưa tiêu chí giảm giá thành là một tiêu chí thi đua trong ngành điện và công khai kết quả của từng đơn vị. Cổ phần hóa không nên chỉ dừng lại ở các đơn vị phát điện mà cả đơn vị phân phối, bán lẻ.
* Ông Phạm Quang Tú (Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển):
Bình ổn nên là việc của doanh nghiệp
Việc công bố cơ chế giá bán lẻ điện là điều đáng hoan nghênh trong lộ trình đưa giá điện VN theo cơ chế thị trường. Tôi ủng hộ điện, cũng như các mặt hàng khác, phải theo thị trường.
Tuy nhiên, ở dự thảo của Bộ Công thương tôi không đồng tình việc lập quỹ bình ổn giá điện nhưng lại tính vào chi phí, như thế có nghĩa chi phí để tính giá điện sẽ phải cộng thêm một khoản và người dân sẽ trả. Như thế chưa thật thị trường.
Việc bình ổn giá thế nào nhằm hạn chế tăng giá, để người tiêu dùng hài lòng với hàng hóa là việc của doanh nghiệp. Chứ không phải doanh nghiệp muốn giữ giá thì lập một cái quỹ rồi yêu cầu người mua góp vào. Cần công bằng ở đây. Với doanh nghiệp phải tính rủi ro, khả năng biến động của thị trường để có biện pháp phòng ngừa.
Thậm chí trong nhiều trường hợp lỗ họ vẫn phải giữ giá. Nên nếu lập quỹ bình ổn thì Nhà nước nên đưa nguồn lực vào hoặc EVN nên có trách nhiệm.
* Một cán bộ quản lý ngành điện tại TP.HCM:
Giám sát chuyện tăng, giảm giá điện
Dự thảo quy định về cơ cấu điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công thương công bố có ưu điểm là chia nhỏ tỉ lệ tăng giá điện (3-5%) so với mức đề xuất tăng thời gian qua, đỡ “gây sốc” cho người sử dụng điện.
Tuy nhiên, dự thảo quy định giá tăng khá rõ ràng nhưng quy định giá giảm còn chung chung. Cụ thể, nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện) thì EVN phải giảm ngay giá bán điện ở mức tương ứng. Tôi nghĩ quy định cần rõ ràng hơn về vấn đề này, giá đầu vào giảm bao nhiêu thì buộc phải giảm giá điện, tránh tình trạng EVN không chịu giảm giá, như một số hãng xe khách, taxi vừa qua.
Ngoài ra cần có sự giám sát của các cơ quan quản lý để minh bạch trong vấn đề này. Thực tế hiện nay giá dầu đã giảm nhưng giá bán điện (từ nhà máy điện chạy bằng dầu) có giảm không?
Ngoài ra nên giãn thời gian tối thiểu để điều chỉnh giá điện lên sáu tháng. Nếu áp dụng ba tháng thì trong năm có biến động về giá EVN có thể sẽ điều chỉnh giá điện tăng bốn lần, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
* Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An:
Đừng đẩy người dân vào thế khó
Nhìn lại cả một quá trình nhiều năm qua, giá điện chỉ có tăng chứ không giảm. Bây giờ dự thảo quy định cho phép EVN được điều chỉnh giá nếu chi phí đầu vào tăng 3-5%, tôi cho rằng cách tiếp cận là doanh nghiệp phải chia sẻ với người dân, hài hòa lợi ích. Trước đây EVN lỗ nhưng gần đây đã có lãi liên tục.
Nói chung ngành điện đang độc quyền, người dân không có lựa chọn khác, dù thế nào vẫn phải dùng điện và điện là mặt hàng thiết yếu nhất.
Trong khi đó, thông thường doanh nghiệp vì lợi ích của mình trước hết, vì vậy giá điện phải được kiểm tra, kiểm soát kỹ bởi các cơ quan chức năng nhà nước. Đó là nguyên tắc. Tinh thần là làm sao để giá điện được tính đúng, ổn định, không tăng giật cục làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Bảo Quốc (P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM):
EVN muốn hợp thức hóa tăng giá điện định kỳ?
Nhiều năm qua, người dân toàn phải chịu tăng giá điện chứ chưa bao giờ được hưởng giá điện giảm. Cũng như vậy, dân chưa bao giờ nghe ngành điện giải trình số lợi nhuận từ kinh doanh điện được chi vào những khoản gì, đầu tư những hạng mục gì mà chỉ nghe EVN than lỗ. Bây giờ lại đưa ra phương án tăng giá, giảm giá dựa theo giá của các yếu tố đầu vào của ngành điện...
Đây có phải là một cách hợp thức hóa việc tăng giá điện định kỳ mà không cần cơ quan thẩm quyền cho phép?
Điện là mặt hàng đặc biệt và thiết yếu, là nguồn năng lượng quốc gia và cũng được Nhà nước đầu tư hạ tầng rất lớn. Người dân gần như lệ thuộc và thụ động trong việc ký hợp đồng tiêu thụ với ngành điện.
Là một người dân, tôi sẵn sàng chia sẻ nếu như ngành điện tăng giá nhưng tôi cần thông tin minh bạch, rõ ràng và việc tăng, giảm giá phải công bằng. Có tăng phải có giảm chứ không phải chỉ có một chiều tăng mà không có chiều giảm như lâu nay. Nếu như tăng thì phải cho dân biết vì sao tăng một cách dễ hiểu, dễ hình dung nhất để dân còn giám sát khi thị trường có những chuyển biến ngược chiều.
Những yếu tố cấu thành giá điện như EVN đưa ra, nói thiệt chỉ có mấy nhà chuyên môn và kế toán của tổng công ty mới biết được chứ làm sao người dân thường biết. Và tôi e là với cách làm này, EVN đang... dọn đường cho một quy trình tăng giá điện mới.
* Ông Lê Văn Tiến (P.7, Q.8, TP.HCM):
Khách hàng bị ép giá
Từ trước đến nay giá điện tăng bậc thang, tăng lũy tiến, tăng theo lộ trình, giờ thì tăng theo quý, theo định kỳ. Trong dự thảo có nói về trường hợp giảm giá điện nhưng những điều kiện để giảm giá điện thì mù tịt, chưa biết khi nào xảy ra và người dân không kiểm soát được trong khi điều kiện để tăng giá thì quá rõ ràng.
Người dân, doanh nghiệp sử dụng điện như một khách hàng bị ép giá, nhưng không sử dụng thì không được. EVN muốn đưa ra giá nào, khách hàng phải chịu giá đó.
Theo tôi, giá điện tăng hay giảm phải theo mặt bằng cuộc sống chung của xã hội. Khi nào kinh tế khởi sắc, thu nhập người dân cao, các doanh nghiệp kinh doanh lãi lớn thì giá điện tăng là hợp lý. Còn đời sống người dân, sản xuất của doanh nghiệp khó khăn, trong khi giá dầu giảm mà giá điện cứ tăng hoài là không phù hợp.
Giá điện tăng tức tăng thêm gánh nặng chi tiêu cho mỗi gia đình, còn doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm bởi chi phí đầu vào của sản phẩm sẽ tăng theo giá điện.