Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo quy tắc xuất xứ, thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất nguyên liệu là một số yêu cầu cấp bách đặt ra với ngành dệt may nước ta trong thời gian tới.
Dự án ODA chậm trễ do đâu?
- Cập nhật : 22/06/2016
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng Đại diện của JICA Việt Nam, cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam đến khoảng năm 2030.
Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang cần huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án lớn mang tính lan tỏa, và các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đang xem xét dừng cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Ông Yamamoto Kenichi, Phó Trưởng Đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, chia sẻ với BizLIVE quan điểm của mình về các dự án ODA dành cho Việt Nam.
Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ qua. Xin ông cho biết kế hoạch cung cấp ODA của JICA dành cho Việt Nam như thế nào?
Việt Nam hiện đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp với chỉ số GNI đầu người đạt khung 1.046 USD-1.985 USD vào năm 2014.
Lãi suất các khoản vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam ở mức 0.1-0.4%/năm và thời gian trả nợ từ 25 đến 40 năm, ân hạn từ 7 đến 10 năm. Các điều khoản này có lợi hơn nhiều so với các nguồn vay từ các nhà tài trợ khác hay trái phiếu Chính phủ.
Xét tình hình phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam, JICA sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam đến khoảng năm 2030.
Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay, nhà máy điện, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Nhằm hỗ trợ chính sách này của Chính phủ Việt Nam, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với việc cung cấp ODA thông qua kết hợp hỗ trợ phần cứng (tài chính) và hỗ trợ phần mềm (hợp tác kỹ thuật), phù hợp với chính sách của Chính phủ Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đã thiết lập Đối thoại Cấp cao song phương về Hợp tác Lương thực năm 2014 và thông qua “Tầm nhìn trung và dài hạn” vào tháng 8/2015. Tầm nhìn này nhằm thiết lập chuỗi lương thực tại Việt Nam, bao gồm các hoạt động trong các khâu sản xuất nông nghiệp, vận chuyển, chế biến và marketing, với sự tham gia của cả hai khu vực công và tư nhân của hai nước.
Xin ông đánh gia tính hiệu quả của các dự án môi trường ở Việt Nam được tài trợ bởi ODA của Nhật Bản?
Nhật Bản viện trợ cho lâm nghiệp Việt Nam từ năm 1992, qua đó đã góp phần tăng độ che phủ rừng cũng như cải thiện năng lực quản lý rừng bền vững.
Thứ nhất, ở cấp chính sách, thông qua các đối thoại chính sách, chúng tôi đã đề xuất các hành động cần thiết với Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ thực hiện. Đến nay, có hơn 200 hành động chính sách đã được thực hiện và góp phần củng cố năng lực đối phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Thứ hai, đối với lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai, chúng tôi đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế sau năm 2020. Đây là một trong những bước tiến lớn của Hiệp ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Thứ ba, trong lĩnh vực thích nghi với biến đổi khí hậu, chúng tôi đã tích cực hỗ trợ nâng cao sức chống chọi với thảm họa thiên nhiên thông qua dự án “Xây dựng các cộng đồng đối phó với thiên tai”. Ở dự án này, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng Kế hoạch Quản lý Lũ tổng hợp (IFMP), thông qua đó đưa ra các biện pháp để đối phó với lũ lụt tại các lưu vực sông.
Đối với các dự án giao thông thì sao, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong số các dự án của Việt Nam được tài trợ bởi ODA Nhật Bản, lĩnh vực giao thông chiếm đến 46%. Trong vòng 5 năm qua, Chính phủ Việt Nam và JICA đã ưu tiên sử dụng ODA của Nhật Bản cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Những dự án tiêu biểu sử dụng vốn ODA của Nhật Bản là Đại lộ Đông-Tây, được hoàn thành vào năm 2011; đoạn TP.HCM-Dầu Giây thuộc Dự án Cao tốc Bắc Nam được thông xe vào tháng 2/2015. Các dự án này giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm thời gian di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra cần kể đến Nhà ga T2 thuộc Sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối cầu Nhật Tân với Sân bay Nội Bài đã được khánh thành vào tháng 1/2015. Cả 3 dự án này đã góp phần nâng cao công suất vận tải từ cửa ngõ quốc tế tới trung tâm thành phố, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế và sức cạnh tranh của Việt Nam.
Một dự án có thể kể đến là Dự án “Vốn vay của ngành Giao thông vận tải nhằm cải thiện mạng lưới đường bộ” khởi động năm 2004, đến nay đã xây dựng được 144 cây cầu, nhờ đó nâng cao được tính kết nối về mặt hậu cần với khu vực ASEAN và vùng Đồng bằng sông Mekong.
Tiến độ thực hiện các dự án vốn vay ODA Nhật Bản như thế nào, thưa ông?
Mối lo ngại lớn nhất liên quan đến các dự án sử dụng vốn vay ODA là sự chậm trễ trong việc triển khai. Khi bị chậm trễ, các dự án không chỉ bị đội vốn xây dựng mà còn để tuột mất nhiều lợi ích kinh tế.
Trong số 19 dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2011-2015, có 8 dự án bị chậm tiến độ do chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, 3 dự án bị chậm do năng lực của cơ quan triển khai và 1 dự án bị chậm do năng lực của nhà thầu còn yếu.
Nguyên nhân chính của chậm tiến độ là do việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, có nguyên nhân là thiếu hụt lớn ngân sách cũng như quy trình phức tạp để ban hành các quyết định liên quan.
Chúng tôi nhận thức được rằng vấn đề của phía Việt Nam hiện nay là việc tạo lập được cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý dựa trên các giá trị về kinh tế mà thông qua đó ngân sách cần thiết cho giải phóng mặt bằng đối với các dự án quốc gia hay các dự án địa phương được phân bổ một cách hợp lý theo thứ tự ưu tiên. Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và chính quyền địa phương mất rất nhiều thời gian cũng làm tăng việc chậm tiến độ của các dự án.
Đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và các khoản vay kém ưu đãi, hầu hết các quyết định ở giai đoạn chuẩn bị cần có ý kiến của các bộ liên quan nhưng lại không xác định được rõ ràng bộ nào chịu trách nhiệm và nếu quá trình tham vấn không được thực hiện đúng kế hoạch thì mức độ trách nhiệm cụ thể là như thế nào. Đây cũng là một trong những lý do chính gây chậm trễ trong quá trình triển khai dự án nếu có sự thay đổi về mặt hồ sơ, tài liệu dự án.
JICA sẽ có những biện pháp nào để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA Nhật Bản, thưa ông?
Để phòng tránh chậm trễ trong triển khai dự án, vấn đề then chốt là tính minh bạch và đánh giá của bên thứ 3.
Hiện JICA đang trong giai đoạn chuẩn bị công khai các bước thực hiện dự án của tất cả các dự án vốn vay thông qua một trang web, qua đó giúp giám sát và minh bạch quá trình mua sắm của các gói thầu và quá trình triển khai tất cả các dự án.
Tiếp theo, JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư nâng cấp hệ thống này để có thể giám sát tất cả các dự án đầu tư công ở Việt Nam nhằm tăng cường tính hiệu quả và minh bạch của dự án.
Chúng tôi cũng xem xét áp dụng việc sử dụng đánh giá của bên thứ ba đối với các dự án không ký được hợp đồng tư vấn trong vòng hai năm kể từ thời điểm ký kết hiệp định vay vốn và/hoặc trong vòng 4 năm trong trường hợp không có hợp đồng nhà thầu.
Thông qua các giải pháp này, JICA kỳ vọng sẽ có thể minh bạch hóa các công đoạn của dự án và các cơ quan Chính phủ gây nên sự chậm trễ trong quá trình triển khai, cũng từ đó, JICA kỳ vọng cơ chế này sẽ giúp hạn chế tình trạng chậm trễ trong triển khai các dự án.
Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Tuấn
BizLIVE