Năm 2015 thách thức giải ngân ODA 5,6 tỷ USD
- Cập nhật : 26/08/2015
(Tin kinh te)
Kết quả ký kết hiệp định và tốc độ giải ngân chương trình, dự án vẫn chậm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn còn 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết nhưng chưa được giải ngân...
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực, trong công tác vận động, tổ chức thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nhiều cơ quan đã triển khai hiệu quả chủ trương chuyên nghiệp hóa ban quản lý dự án; chủ động tự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có 10 dự án đã cơ bản giải quyết xong các vướng mắc, giải ngân đạt nhiều tiến bộ, trong đó nổi bật là các dự án trong ngành năng lượng và giao thông vận tải.
Tuy nhiên, kết quả ký kết hiệp định và tốc độ giải ngân chương trình, dự án vẫn chậm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn còn 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết nhưng chưa được giải ngân; 14 dự án, nhất là các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất chậm, làm dư luận bức xúc và gây lo ngại cho các nhà tài trợ.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đạt các mục tiêu đề ra của năm 2015 và chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau, các Bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1257.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành văn bản pháp quy về chính sách, cơ chế tài chính đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với quy định hiện hành và tình hình, khả năng vận động nguồn vốn này trong thời gian tới.
Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình vận động, chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết hiệp định, nhất là trong công tác chuẩn bị, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với các nhà tài trợ thuộc Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển. Các cơ quan chủ quản cần thường xuyên báo cáo tiến trình chuẩn bị chương trình, dự án với nhà tài trợ, kịp thời lấy ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương làm chủ quản các chương trình, dự án có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp và trong danh sách chậm tiến độ cần quyết liệt hơn trong điều hành công tác giải ngân, định kỳ hàng tháng báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện và chuyển biến của các dự án này, gửi Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần phấn đấu đạt chỉ tiêu giải ngân của cả năm là 5,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ công tác liên ngành trong thời gian tới để tập trung giải quyết vướng mắc cho các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiện toàn Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo, bổ sung cán bộ khi thấy cần thiết, thu xếp thời gian để Tổ Công tác liên ngành đi thực tế thường xuyên hơn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và trong việc áp dụng các quy định pháp luật mới ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, đột phá cần được tập trung tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách; các cơ quan chủ quản chủ động nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng.