tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp nội mở đường cho nhà phân phối ngoại vào Việt Nam

  • Cập nhật : 21/06/2016
Mặc dù đã được dự báo trước về cơn lốc đầu tư ngoại nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn không ngờ kịch bản lại được “diễn” sớm đến vậy.

Thị trường liên tục chứng kiến những vụ "kết hôn" giữa doanh nghiệp bán lẻ, thậm chí không ít doanh nghiệp còn "vỗ béo," "làm đẹp" rồi "bán" cho các đại gia nước ngoài.
 
Bỏ qua những ưu đãi về mặt bằng và cơ chế chính sách, các doanh nghiệp nội đang mở đường cho nhà phân phối ngoại chính thức bước vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
 
"Vỗ béo" để… bán
 
Khó từ chối trước những lợi ích về kinh nghiệm quản trị, điều hành, mở rộng và phát triển hệ thống phân phối… các doanh nghiệp trong nước đang lần lượt học nhau bắt tay với nhà đầu tư ngoại để giảm sức ép cạnh tranh.
 
Các doanh nghiệp chấp nhận các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) như một xu hướng tất yếu khiến đối trọng giữa doanh nghiệp nội và ngoại không còn.
 
Phải chăng M&A được các doanh nghiệp nội lựa chọn, coi như giải pháp an toàn và sẵn sàng bỏ qua những lợi thế sẵn.
 
Những am hiểu nhất định về thị trường trong nước, thương hiệu đã được định hình trong tâm trí khách hàng giờ đây cũng không còn quan trọng nữa.
 
Nhiều siêu thị hiện nay vẫn “lười” đổi mới, tìm nguồn hàng bổ sung cũng như cải tiến phong cách phục vụ và cạnh tranh về giá. Đây cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng quay lưng với các doanh nghiệp trong nước và trở nên sính ngoại.
 
Cũng xuất phát từ nguyên do này mà gần 30 điểm bán của hệ thống siêu thị Citimart tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức được chuyển đổi thành hệ thống siêu thị Aeon Citimart.
 
Một thương hiệu lớn khác ở Hà Nội là Fivimart với 18 điểm kinh doanh cũng “kết hôn” với Aeon.
 
Đại gia bán lẻ của Nhật Bản hiện chiếm 49% cổ phần tại Citimart và 30% cổ phần tại Fivimart, nhanh chóng hiện thực hóa tham vọng mở rộng thị phần trên thị trường bán lẻ Việt thông qua các đối tác trong nước.
 
Thực tế là vậy, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng khiến các đại gia thay nhau nhòm ngó.
 
Chính vì thế, khi trao đổi với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh luôn khẳng định rằng: Cơ hội luôn đi kèm với thách thức mà thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp trong nước hiện nay là sức ép cạnh tranh và thay đổi chính mình.
 
Theo đó, phải biết chấp nhận thất bại để đứng dậy vững hơn. Cạnh tranh bằng giá rẻ không phải là giải pháp tối ưu mà nên tập trung vào chất lượng, uy tín và nâng tầm quản trị.
 
Là một trong những tên tuổi mới nổi tại thị trường Việt Nam, nhưng Aeon đã rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị bán lẻ.
 
Chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình, đại diện của Aeon Việt Nam cho rằng vấn đề mấu chốt là các doanh nghiệp Việt phải tự thay đổi, tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu, thay đổi mẫu mã hàng hóa và các dịch vụ sau bán hàng để thỏa mãn nhóm khách hàng mục tiêu… Phải làm được như vậy, hàng Việt mới có sức cạnh tranh cao.
 
Riêng đối với các nhà cung cấp Việt Nam, Aeon không yêu cầu hàng Việt phải đạt chất lượng như ở Nhật Bản, nhưng để vào các cửa hàng của Aeon, sản phẩm tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam, đặc biệt phải bảo đảm tính an toàn cho người sử dụng...
 
 
Do vậy, chất lượng, bao bì, mẫu mã, an toàn... của các nhà bán lẻ ngoại đối với hàng Việt chính là thách thức nhưng cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt vượt qua chính mình, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
"Bàn đạp" đưa hàng vào Việt Nam
 
Trong một cuộc khảo sát thị trường bán lẻ và cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Hayashi Motoo cùng nhiều doanh nghiệp và bốn tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản, Bộ trưởng đã không ngần ngại cho biết đây là "bàn đạp" nhằm chuẩn bị cho chiến dịch đưa hàng hóa Nhật xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi.
 
Lý giải việc Nhật Bản muốn đẩy mạnh đưa hàng hóa vào Việt Nam trong thời điểm này, không ít doanh nghiệp cho hay đây là điều kiện tiên quyết để có thể đón lõng những cơ hội và ưu thế của Hiệp định TPP.
 
Không những thế, Việt Nam còn là thị trường lớn, có quy mô dân số trên 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập của người dân cũng như nhu cầu mua sắm ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội tốt để đưa hàng Nhật sang Việt Nam.
 
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, các công ty Nhật sẽ đẩy mạnh đưa các loại hàng hóa như bánh kẹo, nông sản, nguyên liệu, thực phẩm của Nhật Bản vào Việt Nam.
 
Vì vậy, các cửa hàng tiện lợi của Nhật được xem như những “cứ điểm” để nắm bắt tốt nhất hành vi tiêu dùng người Việt, từ đó làm “bàn đạp” đưa hàng vào Việt Nam.
 
Chỉ khi đã nắm chắc sản phẩm nào được thị trường chấp nhận, Nhật Bản sẽ chính thức mở kênh phân phối.
 
Bên cạnh đó, khi đã có cơ sở dữ liệu khổng lồ để biết được sản phẩm nào bán chạy và sản phẩm nào sẽ là xu hướng tiêu dùng, họ sẽ thuê các đơn vị sản xuất ở trong nước hoặc nước ngoài làm thương hiệu riêng.
 
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, các nhà bán lẻ nước ngoài liên tục khuyến mãi, giảm giá sâu trong khi không nhà bán lẻ Việt Nam nào làm được như vậy.
 
Cùng can dầu ăn Simply 5lít, Lotte Mart bán chỉ 206.000 đồng/can, nhưng siêu thị nội bán giá cao hơn đến 16.000 đồng/can.
 
Đến cuối ngày, các nhà bán lẻ ngoại vẫn tranh thủ “vét” khách bằng cách giảm giá rất sâu các mặt hàng chế biến trong ngày như bánh mỳ từ 3.500 đồng/chiếc xuống còn 1.000 đồng/chiếc; thức ăn chế biến sẵn giảm giá đến 50%.
Từ khi mở cửa đến khi đóng cửa, siêu thị ngoại luôn tấp nập khách hàng, trái ngược hẳn với một số siêu thị của doanh nghiệp trong nước.
 
Không dừng ở đó, họ còn thay đổi cách thức trưng bày hàng hóa liên tục để kích thích sự hào hứng của khách hàng.
 
Chẳng hạn, Lotte Mart của nhà đầu tư Hàn Quốc cứ khoảng 4 ngày lại thay đổi cách bài trí hàng hóa một lần.
 
"Nhân viên luôn mỉm cười với khách. Tủ kính, cửa hàng sạch bóng, sáng choang, kèm theo giá rẻ nên rất thu hút khách hàng. Ngoài ra, họ còn khéo léo đưa hàng nước họ vào hệ thống bán lẻ của Việt Nam," ông Vũ Vinh Phú nói.
 
Để người tiêu dùng không quay lưng với các kênh phân phối nội và cũng là để kích thích sản xuất trong nước, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự đổi mới toàn diện, đặc biệt là phải liên kết lại với nhau để tạo thế đối trọng với các nhà bán lẻ nước ngoài của doanh nghiệp vẫn cần những cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ một cách rõ ràng, cụ thể và hiệu quả hơn.
 
Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần chính sách và hỗ trợ pháp luật từ Nhà nước
 
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán lẻ.
 

Cùng với đó, Hiệp hội kiến nghị cần phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế cho doanh nghiệp nội trong mua bán và sáp nhập.


Uyên Hương
Theo Vietnamplus.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục