tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-05-2017

  • Cập nhật : 22/05/2017

Có dự án ODA lãng phí đến 3,3 triệu USD

Dự án BOT, BT, sử dụng vốn ODA còn vô số sai phạm, tuỳ tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, có dự án lãng phí đến cả triệu đô phí bảo hiểm...

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 đến Quốc hội.

Kết quả kiểm toán cho thấy, ngoài các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp đồng - xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể là chưa có tiêu chí nào để lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT, hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành. Việc xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót, xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng được Nhà nước hoàn lại, xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế.

Nhiều đơn vị dựa trên số liệu thống kế của tư vấn khảo sát trong 2 đến 3 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy - báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc nghiệm thu, thanh toán các dự án này còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,46 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng 180,37 tỷ đồng, sai định mức 41,64 tỷ đồng, sai đơn giá 143,17 tỷ đồng, sai khác hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán 785,28 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, các nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết, tiến độ thi công chưa đảm bảo, chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí, khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày đối với dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa.

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, kết quả kiểm toán chỉ rõ việc giao dự án BT cho nhà đầu tư chưa không đủ năng lực như tỉnh Bình Phước giao Công ty TNHH Đức Bình không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính thực hiện dự án Đoạn 1 Km0+000 – Km8+000. Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 thì Tp. HCM tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khi chưa báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư chưa được phê duyệt.

Một số nơi chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định, chẳng hạn với tỉnh Bình Phước là 3 dự án thành phần thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường Lộc Tấn- Bù Đốp, đoạn từ ngã 3 Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh đến Trung tâm huyện Bù Đốp.

Với sai phạm ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư được nêu tên là dự án cải tạo nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình...

Chuyển sang các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác cũng có hàng loạt sai phạm được chỉ ra: chưa bố trí đầy đủ, kịp thời theo cơ cấu vốn trong quyết định đầu tư được phê duyệt, đặc biệt là vốn đối ứng, vốn chủ sở hữu làm tăng chi phí đầu tư. Chưa chuyển đổi chủ thể hợp đồng vay khi chuyển đổi chủ đầu tư theo quy định làm tăng chi phí đầu tư, sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng hoặc chưa phù hợp với điều khoản hợp đồng. Ngoài ra còn vi phạm quy định của nhà tài trợ dẫn đến việc dừng cấp vốn gây lãng phí nguồn vốn đã đầu tư.

Cá biệt, có dự án vừa có bảo lãnh của Chính phủ, vừa phải mua bảo hiểm khoản vay với mức phí 5% (tính trên tổng nợ gốc và lãi phải trả) và việc thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện 1 lần không theo quá trình giải ngân thực tế làm lãng phí phí bảo hiểm 3,3 triệu USD.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải chính là dự án cá biệt này - theo báo cáo.(VNeconomy)
-------------------------------------

Thương lái Trung Quốc lại giở trò khi mua bưởi

Thay vì mua bưởi chín, thương lái Trung Quốc lại đặt hàng bưởi da xanh non và yêu cầu dán tem có hình bản đồ Việt Nam mà không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa!

Từ Tết Nguyên đán đến nay, bưởi da xanh tại ĐBSCL bỗng hút hàng xuất sang thị trường Trung Quốc. Theo đại diện cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), có thời điểm giá bưởi da xanh bán cho thương lái Trung Quốc lên đến 55.000 đồng/kg, cao hơn nếu xuất đi thị trường EU và Canada (tầm 40.000-50.000 đồng/kg).

Trung bình mỗi ngày, cơ sở này xuất sang thị trường Trung Quốc từ 20-40 tấn bưởi với giá cao.

buoi da xanh tai co so huong mien tay. anh: dan viet

Bưởi da xanh tại cơ sở Hương Miền Tây. Ảnh: Dân Việt

Ông Phan Hoài Phong, đại diện cơ sở Hương Miền Tây, phản ánh: "Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đón rất nhiều đoàn khách từ Trung Quốc sang, có ngày tiếp tới 14-15 đoàn. Có những tiểu thương và thương nhân Trung Quốc mua bưởi rồi trả tiền ngay. Điều lạ là có một số đối tác đặt vài container bưởi da xanh non thay vì chín. Có thương nhân Trung Quốc còn yêu cầu chúng tôi dán tem có hình bản đồ Việt Nam mà không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biết đây là kiểu làm ăn chụp giật và vi phạm pháp luật nên chúng tôi không thực hiện".

Theo ông Phong, do biết rõ kiểu cách làm ăn của thương lái Trung Quốc nên trước khi ký hợp đồng, chủ cơ sở tìm hiểu rất kỹ đối tác và yêu cầu họ thanh toán tiền ngay khi xuất hàng.(NLĐ)
--------------------------------

32 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD chờ rót vào Thanh Hoá

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá vừa được diễn ra tối ngày 18/5, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hoá đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 32 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh này.

Tổng vốn đăng ký đầu tư từ 32 dự án này ước tính khoảng 135.300 tỷ đồng (khoảng 6,1 tỷ USD), trong đó chủ yếu là các dự án thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và du lịch.

Nhiều dự án lớn, rất đáng chú ý sẽ được rót vốn đầu tư vào Thanh Hoá thời gian tới. Đáng chú ý như dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II tại KKT Nghi Sơn. Dự có công suất 1.200 MW, với tổng mức đầu tư 56.366 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD), quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng (quy mô 530ha, tổng mức đầu tư 3.255 tỷ đồng).

Tại Hội nghị, ông Lê Thành Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sản xuất rau an toàn, rau cao cấp; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; chăn nuôi lợn thịt. Dự án có quy mô 16.000 con bò thịt và 6.000 con lợn thịt/ năm, tổng mức đầu tư 2.439 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều dự án lớn khác cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư:

Lĩnh vực du lịch: Gồm dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, quy mô 1.492 ha, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng; dự án Trạm dừng nghỉ tại KKT Nghi Sơn, quy mô 15,5 ha, có tổng mức đầu tư 997 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Fuhucorp.

Lĩnh vực phát triển hạ tầng và đô thị: dự án Cảng Container Long Sơn tại KKT Nghi Sơn. Dự án có quy mô 1 - 1,2 triệu TEU/ năm, có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng, của Công ty TNHH Long Sơn; dự án Khu bến container 2 và hậu cần cảng Nghi Sơn, quy mô 04 bến container và khu hậu cần cảng, công suất 6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn; dự án Khu đô thị Núi Long kết hợp khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường vành đai Đông - Tây. Dự án có quy mô 137 ha, tổng mức đầu tư 1.127 tỷ đồng, của Liên danh Công ty Sông Mã - Công ty Đông Sơn - Công ty đầu tư trung tâm thương mại Bờ Hồ.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo: dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, công suất 90 MW, tổng mức đầu tư 2.681 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn; Nhà máy điện mặt trời tại Khu kinh tế Nghi Sơn, công suất 130 MW, với tổng mức đầu tư 4.751 tỷ đồng của Công ty RS Schonbuch GmbH Co.KG (CHLB Đức)

Lĩnh vực nông nghiệp: Gồm dự án Trang trại chăn nuôi chế biến thực phẩm tại Xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, quy mô 500.000 con lợn/ năm, có tổng mức đầu tư 1.766 tỷ đồng của New Hope; dự án Ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón tại Xã Minh Tiến, Ngọc Lặc, quy mô 100.000 tấn thức ăn, 200.000 tấn nông sản và 150.000 con heo giống/ năm, có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng, của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương; dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa, quy mô 20.000 con bò sữa/ năm, có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng của Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm sữa Yên Mỹ.

Bên cạnh 12 dự án vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa:

1. Dự án Nhà máy may Đông Sơn tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn của Công ty TNHH Thiệu Đô, quy mô 23,3 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng.

2. Dự án Trung tâm đào tạo nghề Tập đoàn Hong Fu và Trung tâm khai thác mẫu tại KKT Nghi Sơn của Công ty TNHH giày Annora Việt Nam, quy mô 2.800 học viên/ năm, tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng.

3. Dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Yên Thái, huyện Yên Định của Công ty Cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La, công suất 30 MW, với tổng mức đầu tư 810 tỷ đồng.

4. Dự án Trung tâm sản xuất giống và thịt lợn hàng hóa chất lượng cao tại huyện Lang Chánh của Công ty TNHH MTV chăn nuôi RTD, APPE AC, T.I.G.E.R, quy mô 10.000 lợn nái/năm; 83.500 lợn thịt/năm; 160 tấn cá/năm, tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng .

5. Dự án Chuỗi chăn nuôi, giết mổ và chế biến gia cầm tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa của Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, quy mô chăn nuôi 44.000 con gà bố mẹ/năm và giết mổ 2.500 con gà/giờ, có tổng mức đầu tư 234 tỷ đồng.

6. Dự án Làng ven hồ - Lakeside Village tại KKT Nghi Sơn của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Việt Nam, quy mô 4,27 ha, có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

7. Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái BID tại xã Bình Minh, huyện Tĩnh Gia, quy mô 16,7 ha, tổng mức đầu tư 530 tỷ đồng của Công ty Cổ phần BID Group.

8. Dự án Bệnh viện đa khoa Hợp Lực tại khu vực Nghi Sơn của Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực, quy mô 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng.

9. Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa của Tổng Công ty Cổ phần thiết bị y tế Việt Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, quy mô 500 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 793 tỷ đồng.

10. Dự án Khu dịch vụ y tế chất lượng cao Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa của Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung và Công ty Cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa, quy mô 300 giường bệnh, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

11 và 12. Dự án số 2 Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, quy mô 70,69 ha, có tổng mức đầu tư 561 tỷ đồng và dự án Bệnh viện quốc tế Sao Mai tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, quy mô 500 giường bệnh, có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng của Tập đoàn Sao Mai.

13. Dự án Khu đô thị Đông Hải, thành phố Thanh Hóa của Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung - Công ty Cổ phần IDEC Việt Nam, quy mô 42,38 ha, tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng.

14. Dự án Nhà ở xã hội phường Quảng Thành của Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Hợp Lực, quy mô 900 căn nhà chung cư nhà ở xã hội và 60 căn nhà ở thương mại, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng.(CafeF)
--------------------------------

Còn nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm trên cát

Với mục tiêu là đến năm 2020, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500 ha, sản lượng đạt trên 60.000 tấn; năm 2025, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 7.000 ha, sản lượng nuôi đạt trên 110.000 tấn, việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội, mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân ven biển.

Vì vậy thời gian tới Tổng cục Thuỷ sản sẽ rà soát các vùng nuôi tôm trên cát hiện tại, xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể cho vùng nuôi tôm trên cát tại các tỉnh miền Trung trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam; ưu tiên mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát ở những vùng đang nuôi tôm có hiệu quả cao và những khu vực hoạt động các ngành kinh tế khác kém hiệu quả.

Đồng thời, quy hoạch, thiết kế và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm; nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng chính ở những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nươc đầu mối, hệ thống chứa nước ngọt phục vụ sản xuất ở các vùng nuôi tôm trên cát tập trung; Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích phát triển các mô hình liên kết giữa cơ sở nuôi tôm trên các với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt Tổng cục Thủy sản sẽ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước vào nuôi tôm trên cát để tạo sản phẩm lớn, hàng hoá và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Được biết, đến năm 2016, cả nước có 14 tỉnh thành ven biển miền Trung đang nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 3.734 ha, sản lượng đạt 41.705 tấn. Năng suất nuôi tôm trên cát các tỉnh miền Trung cao hơn năng suất bình quân của cả nước (trung bình khoảng 10-14 tấn/ha).(Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục