Theo đánh giá của quốc tế và trong nước, trong năm 2015 nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, mở ra nhiều cơ hội mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thể hiện qua trăn trở của các nhà lãnh đạo.
Giá xăng đẩy CPI tháng 6 tăng mạnh nhất trong 5 năm
- Cập nhật : 24/06/2016
(Kinh te)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước khiến CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng trong trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016.
Đáng chú ý, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có đến 10 nhóm mặt hàng tăng giá. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, CPI tăng ở 10/11 nhóm hàng hóa là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang được hồi phục trở lại.
Xăng tăng giá hai lần liền kề cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2016 là nguyên nhân đẩy CPI tăng mạnh trở lại
Trong đó nhóm hàng tăng giá mạnh nhất là nhóm hàng dịch vụ giao thông với mức tăng 2,99%; nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; Văn hóa - giải trí và du lịch tăng 0,18%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,06%; Hàng hóa và dịch vụ tăng 0,03%. Chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Đáng nói, nếu so tốc độ tăng CPI của tháng 6 so với tháng liền kề các năm về trước, CPI tháng 6/2016 tăng mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể CPI tháng 6/2012 so với tháng 5/2012 tăng trưởng âm 0,26%, tháng 6/2013 tăng 0,05%, tháng 6/2014 tăng 0,3% và tháng 6/2015 tăng 0,35%.
Trong các nguyên nhân làm CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016, giá xăng dầu khiến CPI tăng mạnh nhất khi trong tháng 5 và tháng 6/2016 đã có hai lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu với 920 đồng/lít, dầu diezen tăng 880 đồng/lít. Đây là nhân tố dẫn đến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27%.
Đặc biệt, CPI tăng ở nhóm thực phẩm do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên người tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó do thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Các nhóm mặt hàng giá điện sinh hoạt tăng là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, góp phần làm CPI chung cả nước tăng 0,03%. Bên cạnh đó, nhóm du lịch tăng mạnh bởi tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước.